Làm đẹp

Cẩm nang cần biết khi sử dụng mặt nạ

Ngày nay, một phụ nữ dù chẳng mấy quan tâm tới chuyện làm đẹp cũng biết ít nhất một loại mặt nạ, cho dù chỉ làm từ dưa chuột cắt lát hay nửa hộp sữa chua ăn thừa.

Trong số các loại mỹ phẩm, có thể nói, mặt nạ là sản phẩm ra đời sớm nhất. Mặt nạ yêu thích của nữ hoàng Cleopatra là lòng trắng trứng – hỗn hợp giúp da mịn màng và mềm mại khi để nó se lại qua đêm. Còn Dương Quý Phi – mỹ nhân nổi tiếng nhà Đường thì luôn trung thành với công thức làm đẹp mà nàng sắm riêng cho mình: mặt nạ trộn từ bột ngọc trai, cẩm thạch, nhân sâm và rễ sen làm trắng da, loại bỏ các nếp nhăn.

Hàng trăm biến thể của mặt nạ từ những thành phần tự nhiên cứ thế ra đời, để ngày nay, một phụ nữ dù chẳng mấy quan tâm tới chuyện làm đẹp cũng biết ít nhất một loại mặt nạ, cho dù chỉ làm từ dưa chuột cắt lát hay nửa hộp sữa chua ăn thừa.

Nguyên lý hoạt động cơ bản của mặt nạ là tạm thời phân cách làn da với không khí bên ngoài, tập trung vào quá trình trao đổi chất với các tế bào da.

Mặt nạ dạng kem

Có tác dụng làm mềm và cung cấp độ ẩm cho da, thành phần của nó có thể cũng chứa nhiều loại dầu khác nhau, lý tưởng cho làn da thường và da khô cần trẻ hóa cũng như củng cố độ đàn hồi. Tính chất mềm mại của kem giúp da không bị kích ứng.

Mặt nạ dạng lột

Thường có kết cấu dạng gel hoặc miếng dán. Khi lớp gel se lại trên da mặt, nó kết dính các tế bào chết và mụn cám, mụn đầu đen, bụi bẩn tồn đọng ở lỗ chân lông và cả những sợi lông mặt. Tất cả được “nhấc” ra ngoài khi bạn lột mặt nạ. Bạn nên đợi tới khi mặt nạ thật sự khô, lột từ tốn, nhẹ nhàng để làn da không tấy đỏ và không gây ảnh hưởng đến độ đàn hồi. Quá trình lột sẽ khiến các lỗ chân lông bị kéo giãn, vì vậy ngay sau khi lột, bạn nên áp nước mát lên da để “khóa” lại các lỗ chân lông. Mặt nạ dạng lột không nên sử dụng quá 2 lần/tuần nếu không muốn da bị chảy nhão, lỗ chân lông giãn to.

Chú ý, loại mặt nạ này không phù hợp với những làn da nhạy cảm. Nó rất phù hợp với da bị mụn cám hay mụn đầu đen, nhưng không nên áp dụng trên làn da bị mụn đỏ hay mụn bọc.

Mặt nạ dạng miếng

 Các miếng mặt nạ có thể đã được “tẩm” dưỡng chất cho làn da, cũng có thể chỉ là một miếng giấy đặt giữa da mặt và hỗn hợp để việc đắp mặt nạ trở nên sạch sẽ và đơn giản hơn. Miếng mặt nạ cũng được thiết kế đặc biệt để gia tăng độ thẩm thấu của dưỡng chất vào da.

Mặt nạ dạng gel

Chất liệu gel gốc nước nhưng không chứa dầu giúp làn da vừa được cung cấp nước vừa được hút bớt dầu thừa. Mặt nạ dạng này không khô lại giống dạng lột. Chất liệu gel nhẹ nhàng làm da mát mẻ và tươi tỉnh. Đắp mặt nạ gel trước khi trang điểm sẽ giúp lớp trang điểm bám lâu và hạn chế da tiết dầu.

Mặt nạ tẩy tế bào chết

Được pha trộn với một vài thành phần có khả năng mài mòn và bóc tách chất bẩn, mặt nạ dạng này làm sạch da theo cách nhẹ nhàng hơn việc chà xát da thông thường. Chất liệu mềm mại, thường là dạng nước, gel hoặc kem mịn thay vì hỗn hợp có chứa các hạt jojoba. Khi đắp lên mặt, các chất tẩy tế bào chết hoạt động tạo cảm giác râm ran. Để mặt nạ khoảng 10-15 phút, sau đó massage lại cùng với nước để rửa trôi toàn bộ chất bẩn.

Mặt nạ bùn khoáng/đất sét

Đất sét hấp thụ dầu thừa trên mặt và giúp tăng tốc độ chữa lành vết mụn, phù hợp nhất cho làn da nhờn. Đất sét lành tính, không độc hại và giàu khoáng chất giúp làn da được nạp thêm năng lượng. Nó còn được coi là mặt nạ giải độc nhờ khả năng làm sạch sâu và làm thông thoáng lỗ chân lông. Cách làm đẹp này đã có từ thời Hy Lạp và La Mã cổ đại.

Mặt nạ ngủ

Đáp ứng nhu cầu tái tạo mạnh mẽ của làn da vào ban đêm, mặt nạ ngủ ra đời giúp bạn tận dụng khoảng thời gian hiệu quả nhất cho việc nuôi dưỡng da. Chất liệu mềm mại linh hoạt (nước, gel hoặc kem mỏng) giúp các cơ mặt thoải mái hoạt động mà không bị gò bó. Bạn nên chọn chất liệu nhanh khô trên da để tránh làm dính mặt nạ lên gối khi ngủ, đồng thời không nên bôi quá dày khiến da bị “tắc thở” và đổ nhiều dầu.

Mặt nạ V-line

Có dạng miếng dán theo đường xương hàm, sau khi dán khoảng 10-15 phút, mặt nạ nóng dần lên giúp làm tan các bọng mỡ ở vùng chữ V khiến khuôn mặt có vẻ nhỏ gọn lại. Tuy nhiên cần hiểu rõ: đây chỉ là liệu pháp mang lại hiệu quả tức thời, muốn thay đổi độ nhọn của vùng chữ V cần đến sự can thiệp của giải phẫu thẩm mỹ.

Mặt nạ nhiệt

Giống như biện pháp xông hơi, mặt nạ nhiệt làm da dần dần nóng lên, kích thích các lỗ chân lông giãn nở giúp làn da thở dễ dàng. Đây có thể coi là chu trình thư giãn, làm mới làn da, đồng thời đẩy bớt cặn bã ra ngoài. Làm mát da ngay sau khi làm nóng khiến da săn chắc hơn. Lưu ý không rửa lại mặt bằng nước quá lạnh, nếu không da sẽ dễ bị “shock” nhiệt độ và tấy đỏ.

T.H.H