Tai nạn khi va chạm
Khi đang sử dụng kính áp tròng, nếu xảy ra những va chạm vào vùng mắt như ngã, bị đồ vật đập vào mắt, vung tay chạm vào mắt hay chỉ đơn giản là hành động dụi mắt cũng có thể làm lệch kính bên trong, thậm chí khiến kính văng ra ngoài. Điều này gây ra những tác động tới mắt, làm tổn thương, khiến mắt bị sưng, đỏ, đau và chảy nước mắt. Không chỉ thế, nó còn có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của đôi mắt và khiến thị lực suy giảm.
Do đó, khi đeo kính áp tròng, các bạn nên chú ý, tránh những va đập mạnh vào mắt, đặc biệt là tuyệt đối không nên dụi mắt. Nếu mắt khô hoặc ngứa, chúng mình có thể dùng thuốc nhỏ mắt dành riêng cho người sử dụng kính áp tròng.
Tai nạn khi đeo hoặc tháo kính
Đeo kính, tháo kính áp tròng là việc làm đòi hỏi sự cẩn thận cao độ bởi đây cũng là lúc rất dễ xảy ra "tai nạn" với đôi mắt. Những bất cẩn, sự thiếu cẩn thận trong lúc tháo, lắp kính có thể vô tình làm tổn thương mắt, gây xước giác mạc hoặc các chấn thương. Nếu không được điều trị kịp thời, nó sẽ dẫn tới tình trạng loét giác mạc, làm giảm thị lực, về lâu dài còn có thể gây mù lòa nữa đó!
Tai nạn khi vừa đeo kính áp tròng, vừa ăn lẩu
Kính áp tròng là loại kính được làm từ chất dẻo, đeo bằng cách đặt trực tiếp lên bề mặt con ngươi để điều chỉnh các tật khúc xạ hay làm đẹp. Theo chỉ định của các bác sĩ nhãn khoa, khi sử dụng kính áp tròng, chúng ta cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với hơi nóng từ bếp gas, lửa, khí nóng… Điển hình, việc đeo kính áp tròng khi đang ăn lẩu, nấu ăn, thậm chí là vào phòng tắm hơi sẽ rất nguy hiểm bởi hơi nóng sẽ làm tròng kính bị co lại, gây tổn thương cho mắt, thậm chí còn dẫn đến mù lòa. Điều này vô cùng nguy hiểm, vì thế, các bạn cần tuyệt đối ghi nhớ điều này để đảm bảo an toàn cho đôi mắt nhé!
Tai nạn khi đeo kính đi bơi, đi tắm
Hiện nay, có rất nhiều loại kính áp tròng có thể đeo cả khi đi tắm, đi bơi. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, các bác sĩ vẫn khuyên chúng ta nên bỏ kính khi tham gia các hoạt động bơi lội hay khi đi tắm bởi điều này cũng rất dễ làm xảy ra các tai nạn nguy hiểm.
Khi tiếp xúc với nước, kính áp tròng có thể “trôi” khỏi vị trí ban đầu, làm ảnh hưởng tới tầm nhìn và còn có thể gây tổn thương tới đôi mắt. Không chỉ thế, loại kí sinh trùng Acanthamoeba đã được tìm thấy trong nước máy, nước bể bơi hay ngoài biển hoàn toàn có thể “bám” vào kính áp tròng, sau đó tấn công trực tiếp giác mạc, ăn mòn chúng… Điều này vô cùng nguy hiểm bởi nó sẽ khiến thị lực bị suy giảm nhanh chóng, dẫn đến mù lòa chỉ trong thời gian một tuần. Vì thế, hãy thực sự cẩn thận để bảo vệ "cửa sổ tâm hồn" của mình nhé!