Làm đẹp

Những tác hại khủng khiếp từ tia cực tím trong ánh mặt trời

Sau kỳ nghỉ lễ trở về thành phố, người dân Sài Gòn vẫn tiếp tục phải đối mặt với không khí nóng bức, ngột ngạt mà không có dấu hiệu suy giảm. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn cho biết, nắng nóng tiếp tục duy trì trên diện rộng với nền nhiệt độ 35-37 độ C, nhiều nơi còn đạt 37-38 độ C tại khu vực Nam Bộ. Trong khoảng thời gian từ 10-14h, Sài Gòn đạt chỉ số tia cực tím là 12/12. Đây là mức nguy hiểm cực độ, khiến làn da bị cháy nắng cực nhanh khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, có thể gây những hậu quả đáng tiếc dưới đây:​


Ánh nắng chứa tia cực tím có hại cho da và mắt nếu tiếp xúc quá nhiều.

Xạm, đen da

Xạm, đen da liên quan đến sắc tố melanin trên da. Nó thường hình thành sau hai ngày tiếp xúc với ánh nắng mặt trời liên tục, và sắc tố tiếp tục đậm lên sau vài tuần. Sự gia tăng các tế bào sắc tố dẫn đến sự hình thành thêm các hạt melanin trên toàn cơ thể.

Cháy da, bỏng da

Hiện tượng cháy nắng xuất hiện khi tế bào da bị phá hủy. Tổn thương này bị gây ra bởi tiếp xúc với ánh nắng gay gắt của mặt trời. Thông thường, máu sẽ chạy đến những khu vực này để nỗ lực chữa cháy, và đây là lý do vì sao da bạn thường ứng đỏ khi vừa bị cháy nắng.

Sớm lão hóa da

Tiếp xúc với tia cực tím trong khoảng thời gian nhất định sẽ gây nên hiện tượng lão hóa da, bắt đầu từ việc thay đổi cấu trúc ở lớp hạ bì. Những dấu hiệu thường dễ nhận thấy như là khô da, nhìn rõ nếp nhăn, da chảy xệ, da mất khả năng đàn hồi, xuất hiện các đốm sắc tố… Đó là kết quả của sự thoái hóa khả năng đàn hồi và collagen trên da. Và tia UV chính là nguyên nhân đáng sợ nhất gây nên hiện tượng này.

Ung thư da

Đây là loại ung thư xảy ra nhiều nhất trên khắp thế giới. Có nhiều dạng ung thư da, có thể là: Ung thư u hắc tố, ung thư tế bào biểu mô, ung thư tế bào biểu mô có vảy, các khối u ác tính…

Ung thư biểu mô tế bào đáy

 Loại ung thư da này chiếm đến 80% trong các loại ung thư da, loại này có khả năng tăng trưởng chậm và hiếm khi di căn đến các bộ phận khác. Chúng thường được tìm thấy trên đầu và cổ - đây là những khu vực thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời kéo dài nhất, xảy ra ở 20% người dưới 50 tuổi, 70% ở người dưới 70 tuổi.

Ung thư biểu mô tế bào vảy

 Ung thư da loại này thường xảy ra ở người cao tuổi, 50% số người mắc nằm trong độ tuổi 65 trở lên. Những bệnh ung thư da liên quan đến u hắc tố có tỷ lệ chữa khỏi là 96-98%, cũng là loại ung thư dễ dàng điều trị và thành công.

Ức chế hệ thống miễn dịch

Bức xạ tia cực tím sẽ gây nên tình trạng suy giảm miễn dịch liên quan đến việc ngăn chặn hình thành các khối u. Các nhà khoa học cho rằng cháy nắng có thể thay đổi sự phân bố và chức năng của các tế bào máu trắng chống lại bệnh tật ở con người cho đến 24 giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng. Lặp đi lặp lại việc tiếp xúc với bức xạ tia cực tím từ ánh nắng mặt trời có thể gây thiệt hại nhiều hơn vào hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Hình thành khối u ác tính

Các khối u ác tính được hình thành từ các tế bào sắc tố, thường có xu hướng di căn đến các bộ phận khác, do đó rất khó khiểm soát, cũng như điều trị và chữa khỏi, vì thế bệnh nhân có khối u ác tính trên da rất dễ bị tử vong. Khối u ác tính thường phổ biến ở phụ nữ trẻ (vị trí lưng, chân) , đàn ông lớn tuổi (vị trí lưng).

Các nguy cơ hình thành khối u ác tính thường là những nốt ruồi lớn hơn 2mm, ngứa hoặc đau từ nốt ruồi có từ trước, hay mọc thêm những nốt ruồi mới, hoặc nốt ruồi bỗng nhiên thay đổi kích thước và màu sắc.

Những tổn thương cho đôi mắt

Tia cực tím chắc chắn có thể làm hỏng cửa sổ tâm hồn vì 99% tia cực tím được hấp thụ ở phía trước của mắt khi bạn nhìn thẳng vào ánh nắng mặt trời. Kéo theo đó là các tổn thương cho giác mạc, gây đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng và có thể gây mù lòa. Chưa hết, một loại u ác tính nội nhãn cầu có thể hình thành ở bên trong mắt như mống mắt, bờ mi thường gặp ở những người da trắng.