Nhiều người Trung Quốc nay có tiền hơn nhưng vẫn chưa biết cách ứng xử đúng mực. Hồi tháng 5-2013, Phó thủ tướng Uông Dương từng lên tiếng cảnh báo các “hành vi thiếu văn minh” của một số du khách Trung Quốc như nói chuyện to nơi công cộng, nhổ nước bọt... đang làm xấu đi hình ảnh của đất nước.
Đi học làm quý tộc
Đã có những người giàu Trung Quốc nay muốn được học hỏi cách ứng xử đúng chuẩn để hội nhập thế giới. Bắt kịp xu hướng mới này, cô Sara Jane Ho đã lập ra Viện Sarita tại Bắc Kinh dạy về nghi thức và phong cách phương Tây để tự tin trong giao tiếp và ứng xử. Làm thế nào để gọt một quả cam thật chuẩn, cách cầm nĩa chính xác, giữ một cuộc trò chuyện đúng mực với những mối quan hệ của chồng tại sở làm... Tất cả đều được trả lời trong khóa học “cực kỳ tiêu chuẩn” ở Viện Sarita.
“Ngày nay ở Trung Quốc, những phụ nữ giàu thường phải đảm bảo vai trò người mẹ, người vợ, nữ doanh nhân trong một thế giới hoàn toàn biến đổi vì họ cần phải cân bằng giữa truyền thống và hiện đại. Khách hàng của chúng tôi đều mong muốn sở hữu “cẩm nang hướng dẫn tốt nhất” để áp dụng trong cuộc sống và đây là khóa học hữu ích mà chúng tôi mang đến cho họ” - cô chủ Sara giải thích với AFP.
Tốt nghiệp ĐH Harvard, Sara Jane Ho, 27 tuổi, có thể nói năm ngoại ngữ và từng theo học ở Viện Villa Pierrefeu tại Thụy Sĩ, nơi được đánh giá là trường dạy cách ứng xử tốt nhất. Nay Sara muốn đem kiến thức cũng như kinh nghiệm truyền đạt lại cho phụ nữ Trung Quốc về một cái nhìn mới nơi xứ người.
Chính thức khai trương từ tháng 3-2013, Viện Sarita thu hút khá nhiều học viên giàu có. Dù học phí khá cao nhưng cô Sara hồ hởi khoe rằng “những khoản chi cho sở thích mới và nhu cầu của học viên đã giảm được ít nhất ba lần nhờ học được từ Sarita”.
Tại đây, các chủ đề giảng dạy thường là “cố vấn cho chồng”, “cách ăn mặc sang trọng”, “tìm hiểu rượu vang”, “làm quen với các môn thể thao của giới nhà giàu”, “thưởng thức tiệc trà của người Anh vào buổi chiều”, “nghệ thuật hoa và trang trí bàn tiệc”, “cách phát âm những thương hiệu sang trọng”. Lớp dạy nấu ăn luôn do một đầu bếp, từng là nhân viên Đại sứ quán Pháp, hướng dẫn và truyền đạt kinh nghiệm.
Sửa lỗi ưa tọc mạch
Theo AFP, các học viên của Sarita thường không muốn tiết lộ danh tánh. Phần lớn họ là những bà mẹ năng động ở các đô thị lớn, độ tuổi 40, phất lên nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vào cuối những năm 1970. Họ đi học ứng xử kiểu phương Tây vì muốn định cư ở nước ngoài hoặc biết cách nuôi dạy con cái trong môi trường lành mạnh.
Văn hóa phương Tây có nhiều khác biệt so với văn hóa phương Đông, vì vậy không ít học viên tỏ ra khá lúng túng trước những tình huống chưa bao giờ gặp. Họ xấu hổ vì sợ bị chê là “quê mùa” khi không biết sử dụng dao nĩa đúng với bữa ăn kiểu Tây. Ở Viện Sarita, họ được học cách sắp xếp và chuẩn bị bàn ăn, trang trí các món ăn cho hài hòa và đẹp mắt, cách ăn uống khi ở vị trí là khách mời hoặc chủ nhà...
Cô gái trẻ Jocelyne Wang, độc thân, 24 tuổi, tỏ ra rất thích thú. “Cách người ta nói chuyện trong bữa ăn cũng thể hiện được tính cách và sự giáo dục của người đó - cô giãi bày - Tôi muốn học một cái gì đó đặc biệt và thực tiễn chứ không phải kiểu học thông qua tivi và Internet như ba mẹ tôi đã làm”.
Một lỗi mà dân Trung Quốc hay mắc phải là khai thác quá sâu vào đời sống cá nhân của người khác với kiểu câu hỏi như “Bạn kiếm được bao nhiêu tiền?”, “Tại sao bạn ly dị?”... Sarita đã đào sâu vào những chủ đề nhạy cảm này vì sự khác biệt văn hóa ở phương Đông và phương Tây. “Tôi vẫn luôn cố giải thích cho học viên biết giữ khuỷu tay gần cơ thể của mình để không xâm phạm vào không gian cá nhân của hàng xóm” - cô Sara hài hước. Tuy nhiên, bằng thông điệp ấy, Sara đã giúp học viên nhận thức được đâu là khoảng cách tốt nhất trong một cuộc đối thoại.