Chán đời do khủng hoảng giá trị
Vùi đầu vào trong game, H. sinh viên một trường ĐH ở Hà Nội đứng trước nguy cơ bị đuổi học. Nhiều người nghĩ vì đam mê nhất thời, H. vứt bỏ tương lai rộng mở phía trước. Nhưng với H., game là “phương thuốc” để cậu trốn tránh cuộc sống mà mình đang phải đối diện.
Bố mẹ ly hôn, H. sống với mẹ nhưng họ vẫn vướng mắc chuyện phân chia tài sản. Hàng ngày, H. phải nghe mẹ kể xấu đủ điều về bên nội cũng như bày chiêu trò âm mưu để giành bằng được mọi đất đai, nhà cửa. Sau những lần chứng kiến hai bên nội ngoại chửi bới, đánh đập nhau, H. chán nản, lao đầu vào chơi game, không cần biết đến mọi thứ xung quanh.
Theo các chuyên gia tâm lý, H. sa vào lối sống tiêu cực do khủng hoảng giá trị sống. Nhiều bạn trẻ hiện nay sống nổi loạn, bất cần, không lý tưởng, vô cảm với bản thân và mọi người cũng xuất phát từ nguyên này.
Nhiều năm gần đây, có biết bao nhiêu sự việc đau lòng, thậm chí là án mạng xảy ra trong chính gia đình, giữa những người có quan hệ máu mủ như chồng giết vợ, vợ giết chồng, cha con giết nhau... Lẽ ra, trong mối quan hệ đó, tình yêu thương phải là sợi dây gắn kết lớn nhất.
Không chỉ trong gia đình, ở trường học và xã hội có nhiều hiện tượng như chạy điểm, học thuê, mua bằng cấp, xin việc bằng tiền... Đi cùng đó tình cảm thầy trò, các mối quan hệ trong xã hội ít nhiều cũng bị “đổi màu” đều ảnh hưởng đến suy nghĩ, lý tưởng của người trẻ.
Trong thực tế hay trên mạng xã hội, chúng ta dễ dàng bắt gặp tâm tư “Biết tin vào cái gì bây giờ” đầy bất mãn của nhiều bạn trẻ.
Giới trẻ mất niềm tin
Về góc độ xã hội học, ThS Phạm Thị Thúy (ĐH Hành chính TPHCM) cho rằng, những biểu hiện “nổi loạn” của người trẻ chỉ là vẻ ngoài. Phía trong chứa đựng rất nhiều nguyên nhân. Có thể các em dư thừa năng lượng, thiếu mục tiêu sống nhưng cũng nhiều người đang buồn chán, thất vọng về những vấn đề, những bất công, dối trá, phi đạo đức, cái xấu trong gia đình, nhà trường, xã hội.
GS Vũ Gia Hiền cho rằng, nếu trước đây sự xung đột văn hóa diễn ra ở quy mô xã hội phương Tây và phương Đông thì hiện nay, ở Việt Nam đang diễn biến trong từng gia đình rất phức tạp. Vợ chồng dễ dàng ly hôn hơn, sống nặng về lý trí cá nhân, bỏ quên lòng yêu thương làm cho các giá trị dễ lung lay. Các mối quan hệ trở nên lỏng lẻo, dễ đổ vỡ, bị tác động bởi vật chất trái ngược với những gì người trẻ được học, nên các em sẽ hoang mang, mất niềm tin.
Có niềm tin, người trẻ sẽ có trách nhiệm và lý tưởng sống với gia đình và cộng đồng.
Nói về tình trạng đạo đức trong giới học sinh, sinh viên xuống cấp, TS Sử học Nguyễn Nhã cho rằng, cái gốc chính là giáo dục. Giáo dục không quan tâm đến sự chân thực, chúng ta giáo dục một cách sáo rỗng. Người lớn nói về đạo đức rất nhiều nhưng nói mà không làm, sự giả dối có mặt ở khắp nơi nên con trẻ nhờn và hoang mang liệu việc thực hiện đạo đức có thực tế không.
“Tôi lấy một ví dụ tại nhiều bang ở Mỹ, anh đi học nếu bị phát hiện quay cóp sẽ bị kỷ luật đuổi học, tất cả các trường trong bang sẽ không nhận anh vào học. Còn ở mình, thầy cô còn “tiếp tay” cho học trò quay cóp”, TS Nguyễn Nhã chia sẻ và nhấn mạnh, những điều sai trái dẫn đến mất niềm tin. Và khi không có niềm tin thì người ta sẽ không có trách nhiệm.
Theo ông Nhã, chúng ta ít giáo dục và rèn luyện về tư cách, phẩm chất và thêm một điều nữa là kỹ năng sống đang thiếu trầm trọng. Tuy nhiên, điều cần thiết nhất là giáo dục trong gia đình, nhà trường và cả xã hội phải thật sự trung thực, trong đó đặc biệt là giáo dục đạo đức. Không được nói suông, nói phải đi đôi với làm để xác lập niềm tin cho giới trẻ.
Hoài Nam (D.T)