Dưới đây là 8 điều chị em nên làm bắt đầu từ độ tuổi 20 để luôn khỏe mạnh.
1. Bảo vệ da với kem chống nắng mỗi ngày
Kem chống nắng không chỉ có tác dụng ngăn ngừa đen, xạm da mà nó còn có tác dụng phòng tránh nếp nhăn, giảm nguy cơ ung thư da về sau này. Vậy nên, ngay từ bây giờ, bạn nên thiết lập thói quen chăm sóc da, nhất là mỗi khi có dịp phải ra ngoài, ngay cả khi trời không nắng.
Bạn nên dùng kem chống nắng có độ SPF 15 là thấp nhất trong suốt cả năm nhé.
2. Ăn ít nhất sáu phần trái cây và rau quả mỗi ngày
Thiết lập ăn uống lành mạnh ngay từ khi còn trẻ là yếu tố quan trọng nhất nếu bạn muốn giữ vòng eo thon và trái tim khỏe mạnh. Trái cây là nhóm thực phẩm rất giàu chất chống oxy hóa, nếu tiêu thụ chúng hàng ngày sẽ rất tốt cho sức khỏe tim mạch và tăng sự trẻ trung cho bạn. Vì vậy, ngay từ khi ở độ tuổi 20, bạn cần tiêu thụ ít nhất 6 khẩu phần trái cây mỗi ngày.
3. Bắt đầu một thói quen tập thể dục
Những chị em ở độ tuổi 30, 40 có thể cảm thấy ngại bắt đầu một thói quen thể dục hàng ngày cho dù họ hiểu rõ thể dục có lợi như thế nào cho sức khỏe. Điều này càng chứng tỏ, thiết lập một thói quen thể dục ngay từ khi 20 tuổi là điều hết sức cần thiết và những năm sau đó, việc quan trọng nhất của bạn là duy trì thói quen đó.
Tập thể dục đều đặn đem lại rất nhiều lợi ích sức khoẻ, từ việc tăng lưu thông trong cơ thể giúp bạn dẻo dai, tăng cường năng lượng đến thải độc cho cơ thể, duy trì sự trẻ trung, đẩy lùi lão hóa và phòng ngừa ung thư...
4. Kiểm tra sức khỏe tổng quát định kì mỗi năm/lần
Bắt đầu ở độ tuổi 20, bạn nên tiến hành kiểm tra sức khỏe tổng quát định kì hàng năm, chủ yếu là xét nghiệm máu để phát hiện các bệnh như tiểu đường, bệnh tim, cholesterol và huyết áp cao.... Đi khám định kì là cách tốt nhất để phát hiện sớm các nguy cơ sức khỏe mà bạn có thể gặp phải, nhờ đó bạn có thể điều trị bệnh kịp thời.
5. Khám phụ khoa, tiết niệu
Chị em nên biết bệnh ung thư cổ tử cung giết chết gần 300.000 phụ nữ mỗi năm. Nhưng bệnh này cũng có thể phòng ngừa được. Vì vậy, bắt đầu từ độ tuổi 20, bạn nên tiến hành xét nghiệm tế bào cổ tử cung (pap smear) mỗi năm. Xét nghiệm pap sẽ cho bạn những cảnh báo sớm về nguy cơ ung thư cổ tử cung mà bạn có thể gặp phải.
Nhiều chị em thường bỏ qua những khác biệt trong chuyện tiểu tiện của mình. Những thay đổi trong dòng nước tiểu, màu sắc (thậm chí có máu trong nước tiểu) có thể là dấu hiệu nhiễm trùng tiểu, ung thư bàng quang hoặc ung thư thận... Vì vậy, chị em cũng nên đi khám tiết niệu khi thấy có dấu hiệu bất thường.
6. Thực hiện điện tâm đồ
Điện tâm đồ là việc những người trên 40 tuổi nên thực hiện đều đặn để theo dõi sức khỏe tim mạch của mình. Tuy nhiên, ngay cả khi bạn còn trẻ, dù mới ở độ tuổi 20, bạn cũng không nên bỏ qua hình thức kiểm tra sức khoẻ này.
Kiểm tra điện tâm đồ khi còn trẻ sẽ có lợi cho việc kiểm soát trái tim của bạn vì rất nhiều người trẻ tuổi bị bệnh tim mà không có triệu chứng cụ thể nào, chỉ được phát hiện sau khi làm điện tâm đồ.
7. Tiêm chủng
Nhiều người nghĩ rằng, việc tiêm chủng chỉ dành cho trẻ em. Thực tế, từ 20 tuổi trở đi, nhiều chị em đã chuẩn bị bước vào cuộc sống gia đình, mang thai và có con... Vì vậy, việc tiêm phòng một số bệnh ở thời điểm này là hết sức cần thiết như uốn ván, sởi... Nó sẽ giúp chị em yên tâm về sức khỏe của mình khi mang thai.
Để phòng ngừa ung thư cổ tử cung, bạn cũng nên tham khảo việc chủng ngừa HPV để có hiệu quả cao nhất.
8. Giảm căng thẳng
Ngoài 20 tuổi, bạn đang trên đà xây dựng, phát triển sự nghiệp và mở rộng các mối quan hệ. Do đó, khả năng bạn gặp căng thẳng cũng tăng lên. Điều này đặc biệt không tốt cho sức khỏe hiện tại cũng như sau này của bạn, thậm chí nó còn khiến bạn nhanh già, mắc nhiều bệnh vì nó làm suy giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Bạn nên tìm hiểu một số kỹ thuật để giúp giảm bớt căng thẳng để kéo dài tuổi thanh xuân, tăng sự lạc quan và tâm trạng tích cực của bạn. Thiền, yoga, đi bộ hay đạp xe đạp... đều có thể giúp bạn giảm căng thẳng.