“Thông thì thông, chẳng thông thì… tắc”
Lúc mới cưới nhau, ai cũng bảo lấy chồng gần nhà thì sướng, cái gì cũng tiện. Nào thì cưới xin chẳng phải lo đường xá xa xôi, rồi thì sau này về quê một lần thăm được cả hai nhà… Tiện thì cũng có tiện thật, nhưng khi lấy chồng rồi, Hồng (quê Thái Bình) mới thấy hết được cái phức tạp của việc lấy chồng gần. Nhất là mối quan hệ rạn nứt giữa hai bên thông gia chỉ vì lý do cỏn con khiến cho vợ chồng cô gặp rất nhiều khó xử.
Hồng chia sẻ: “Một hôm mẹ đẻ của mình gặp mẹ chồng trên đường làng. Nhìn thấy thông gia từ xa, mẹ mình đã chủ động chào trước, thế nhưng không hiểu thế nào mà thông gia không trả lời cũng chẳng thèm ngước mặt lên nhìn. Ấm ức vô cùng, về nhà, bà kể chuyện với con gái. Mình cố gắng xoa dịu mẹ, đồng thời về thủ thỉ vào tai chồng để anh nói chuyện lại với mẹ chồng. Mấy hôm sau, mẹ mình và mẹ chồng lại giáp mặt nhau ngoài chợ. Lần này, mẹ mình lại chủ động chào trước. Nhưng đáp lại lời chào của bà, mẹ chồng mình chỉ 'ừ' một tiếng rồi đi thẳng. Lần trước dù không chào nhau, nhưng lúc đó chỉ có hai người, thiên hạ không ai biết. Đằng này ngay giữa chợ, cả làng nhìn vào. Có kẻ ác miệng lại thêm chuyện: 'Thông gia gì nhìn thấy nhau mà như quân thù thế, không thèm ngước mặt lên cười với nhau một cái. Con bà về nhà ấy chắc là khổ rồi!', khiến bà đã ấm ức lại ấm ức thêm.
Vì mất mặt với làng xóm nên sau sự vụ ấy, mẹ đẻ Hồng về nhà ba máu sáu cơn, bà gọi ngay cho con gái và tuyên bố: “Từ nay tao mặc kệ chúng mày sống thế nào thì sống, còn tao thì thôi luôn. Không có thông gia thông giếc gì nữa. Khinh nhau đến thế là cùng. Thông thì thông, chẳng thông thì... tắc”.
Vừa xảy ra buổi sáng, đến chiều chuyện của hai bà thông gia đã lan ra cả làng. Kể từ đó, mẹ Hồng và mẹ chồng cô luôn tìm cách tránh mặt nhau. Nếu hai nhà có việc gì thì chỉ có hai ông bố đại diện, nếu chẳng may gặp nhau ngoài đường, họ sẽ tìm hướng khác đi để tránh đối mặt.
Sau này, Hồng mới biết nguyên nhân từ lời kể của bà cô chồng. Ngày vợ chồng cô mới cưới nhau, có lần mẹ chồng gặp mẹ đẻ Hồng bán rau ngoài chợ, bà đã chào nhưng mẹ Hồng không nói năng gì, nên từ đó bà cương quyết sẽ không chào nữa. Hồng về hỏi mẹ đẻ thì bà bảo: "Có lẽ lúc đó đông khách nên mẹ không biết, chứ nếu biết không bao giờ mẹ lại không chào đáp lại”.
“Người ta nói chẳng sai, xa thương gần thường. Thà ở xa hẳn, 1 năm tới thăm nhau một lần ngày lễ tết có khi còn quý mến nhau, còn chuyện trò rôm rả. Đằng này ở cùng một làng, ra đụng vào chạm mà cứ tránh mặt nhau hoài thế chỉ khiến cho thiên hạ bàn tán, rồi đặt chuyện lung tung. Mà khuyên giải thế nào các cụ cũng không nghe, lòng tự ái của ai cũng cao ngút trời. Bản thân mình, khi thấy hai bên cha mẹ không hoà hợp, tự nhiên thấy mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu
cũng trở nên khó khăn hơn cho dù mình không hề có xích mích với mẹ chồng”, Hồng ngậm ngùi chia sẻ.
“Tôi tới nhà ấy vì con, vì cháu thôi!”
Cũng rơi vào tình cảnh hai bên bố mẹ đã từng tuyên bố không nhìn mặt nhau như Hồng nhưng Thảo (quê Hải Dương) may mắn hơn là sau đó vợ chồng cô đã thuyết phục dần dần và bố mẹ hai bên cũng đã chịu ngồi lại với nhau dù lý do là “vì con, vì cháu”.
Thảo bùi ngùi nhớ lại: “Vì hai gia đình gần nhau nên vợ chồng mình quyết định về quê sinh em bé để hai bà tiện chăm sóc. Trước khi sinh, bọn mình đã bàn sẽ ở mỗi nhà 1 tháng. Ở nhà nội trước, nhà ngoại sau. Con được hai tháng thì lên thành phố. Vợ chồng mình thống nhất như vậy và cũng đã trao đổi với bố mẹ hai bên, mọi người đều nhất trí. Sau bữa tiệc mừng đầy tháng cho con, vợ chồng mình xin cho cháu sang nhà ngoại, nhưng không hiểu sao bà nội nhất định không chịu. Bà bảo thằng bé đang ở đây hợp nhà, ăn ngoan, khoẻ mạnh bà không cho đi. Bố mẹ mình thì mong cháu, cháu đầu mà, cứ giục mình cho con sang. Với lại thấy mình mới sinh con song mà người gầy hơn thời con gái, ông bà xót lắm. Lúc đầu đã hứa với hai bên nội ngoại là cho cháu ở mỗi nhà một tháng nên chồng mình không muốn thất hứa, mà nói mãi bà nội không nghe nên chồng mình đã đưa vợ con về ngoại một mình.
Sau đó, Thảo kể mẹ chồng cô làm mình làm mẩy, bảo con trai là hư, coi nhà vợ hơn mẹ mình. Và bà còn tuyên bố trước hàng xóm: "Thông gia mà chẳng coi nhau ra gì, không tôn trọng ý của bà. Đã thế chẳng bao giờ mà thèm bước chân đến cái nhà ấy nữa".
Nói là làm, suốt một tháng trời, mẹ con Thảo ở nhà bà ngoại, bà nội không hề đến thăm một lần. Bố mẹ Thảo cũng tức lắm, mẹ Thảo ra ngoài nói bóng gió rằng: “Con cháu nhà mình mà bà ấy cũng chẳng thiết thì bà ấy cần biết gì đến ai. Có đi thì có lại, không có cũng xong”.
Thấy tình hình hai bên có vẻ căng thẳng, vợ chồng Thảo đã về xin lỗi mẹ chồng. Chồng Thảo cũng đã nói hết nhẽ cho bà hiểu nhưng bà chỉ bảo: “Cả làng này chẳng ai nói bà sai cả".
Mẹ chồng không chịu nhịn, Thảo lại về nịnh nọt bố mẹ đẻ. "Nhà mình có mỗi cô con gái, bố sợ hai nhà không nhìn mặt nhau mình sẽ khổ lây nên bàn với mẹ ‘xuống nước’ qua nói chuyện làm hoà với thông gia” - Thảo vừa kể vừa cười mãn nguyện.
“Thế nhưng mẹ mình ghê lắm, bà đi nhưng bà tuyên bố với chồng: ‘Tôi tới nhà ấy vì con, vì cháu thôi chứ bát nước đã hắt đi khó lấy lại lắm’. May là sau lần ấy hai bên bố mẹ đã chịu qua lại nhà nhau chơi dù trong lòng mỗi người vẫn có những khó chịu riêng” - Thảo chia sẻ.
Vẫn biết ở đời mỗi người mỗi tính, mỗi gia đình có một cách sống riêng nhưng nếu thương con cái, những người làm cha mẹ nên bỏ qua cho nhau những xung khắc nhỏ để có thể tạo nên sự hòa, giúp cho cuộc sống của con cái được thuận lợi hơn.