Đã 3 năm qua đi, nhưng mỗi lần nghĩ đến người mẹ chồng hụt "có một không hai" của mình, Trân lại không khỏi phải toát mồ hôi hột…
Hồi Trân yêu Nam, cô cũng có về ra mắt gia đình anh. Vì thế giữa cô và mẹ chồng tương lai đã có sự thân thiết nhất định. Bà cũng hay gọi lên hỏi thăm cô, nhưng những gì bà nói với cô thường xoay quanh chuyện: “Con ơi, bác mới được mách loại thuốc này tốt lắm, con xem trên đó ở đâu bán thì mua gửi về cho bác nhé! Rồi bác chuyển tiền lên trả cho con ngay!”.
Mỗi lần như thế Trân cũng chỉ biết vâng dạ chứ làm sao được nữa. Nhưng bao nhiêu lần cô mua đồ gửi về là bấy nhiêu lần mẹ Nam quên không gửi lại kinh phí cho cô. Trân nghĩ số tiền không nhiều, với lại dẫu sao cũng là mẹ của người yêu nên cô chẳng muốn tính toán, coi như là quà cô biếu mẹ Nam cũng được.
Ấy thế nhưng những đòi hỏi và yêu sách của mẹ Nam ngày một lớn hơn. Và để tăng tính thuyết phục thì mẹ Nam bao giờ cũng kèm thêm những hứa hẹn về tương lai đầy tươi đẹp: “Các con đã đi lại 2 bên gia đình, có thể coi như con cháu trong nhà rồi. Vì thế bác nhờ con mua giúp nọ kia có tự nhiên thì con cũng đừng để bụng nhé. Với lại, của 2 bác cũng như của thằng Nam. Mai này đều là người một nhà cả, không đi đâu mà thiệt con ạ”. Trân thừa hiểu, ý mẹ Nam nói là giờ cô cứ cung phụng theo yêu sách của bác ấy đi, dù bác ấy không gửi lại tiền thì cũng đừng than trách, vì sau này của nả của bác ấy cũng đều cho Nam - con trai duy nhất của bác ấy cả. Mà sau này cô là vợ Nam thì cô cũng là người được hưởng chứ sao.
Rồi mẹ Nam lên thành phố thăm con trai, tiện thể đến chỗ Trân chơi. Cứ hễ thấy cô mới sắm cái gì, từ cái máy sấy tóc tới cái quạt điện, mẹ Nam đều ngỏ ý: “Tặng lại cho bác nhé con, ở nhà bác đang thiếu mà chưa mua được, rồi bác bảo thằng Nam đưa tiền cho con mua cái khác”. Nghe mẹ chồng tương lai nói đến mức đó chả lẽ Trân còn từ chối được sao?
Không những thế mẹ Nam còn rất tích cực rủ Trân đi mua sắm, nhiệt tình chọn đồ nhưng rồi đều đùn hết cho cô trả tiền. Xong xuôi ra về, mẹ Nam đều dặn cô: "Con cứ đến chỗ thằng Nam lấy tiền, bác sẽ dặn nó gửi lại cho con, còn ở đây bác không cầm theo tiền". Trân cười khổ vì mẹ Nam nói thế có phải làm khó cho cô không.
Nếu Nam nhớ, chủ động trả cô thì không sao nhưng nếu anh quên lãng đi thì cô chả lẽ lại đòi như đòi nợ? Mà sau này cô mới biết, thực ra mẹ Nam đâu có dặn dò gì con trai mình, nên Nam chẳng hay biết chuyện. Còn cô không thấy Nam đưa nên cũng thôi luôn vì ngại đòi. Nếu chuyện có lộ ra thì mẹ Nam chỉ cần cười giả lả: "Ấy chết, bác quên không dặn thằng Nam. Cho bác xin lỗi nhé!". Xin lỗi thì xin lỗi nhưng tiền thì cũng chẳng thấy nhắc đến trả gì cả. Nhiều lần như thế khiến Trân thật sự phải rùng mình ớn lạnh mỗi lần mẹ người yêu lên chơi và rủ rê cô đi mua sắm. Trong lòng cô cũng thầm cảm phục mẹ bạn trai có biệt tài nắm bắt tâm lí người khác, cụ thể là các cô gái đang yêu như Trân.
Nam đẹp trai, phong độ và công việc ổn định, vì thế đã có không ít các cô gái “xin chết”. Trân biết, trước khi yêu cô, Nam cũng có 2 mối tình chính thức và khá nhiều các cô gái thầm ngưỡng mộ anh. Và cũng sau khi chia tay anh rồi, Trân mới biết thì ra người mẹ chồng hụt của mình đã luôn nghĩ con trai bà là miếng mỡ béo ngậy khiến các cô gái thi nhau vây quanh.
Đối với Trân, vì cô là đối tượng thuộc dạng con dâu tương lai nên mẹ Nam còn “tiết chế” và “giữ kẽ” hơn nhiều so với vài cô gái khác trước Trân. Các cô gái ấy, nhất là những cô nàng yêu đơn phương Nam, muốn tấn công anh bằng đường vòng - tức là qua mẹ anh thì bà tận dụng không thương tiếc. Nào quà nào tiền, nào đồ dùng… thôi thì đủ cả. Đến khi họ chán nản buông tay mối tình với Nam thì lúc đó bà cũng mới thôi... tận dụng.
Sau này, khi Nam và Trân chia tay nhau vì một vài lí do riêng, vậy nhưng mẹ Nam vẫn gọi điện lên nhờ vả Trân mua này mua nọ, vay tiền cô như hồi cô còn là người yêu anh. Trân khéo léo cự tuyệt thì mẹ Nam cũng thẳng thắn luôn: “Con trai bác gái xếp hàng dài, nhà bác không có cửa cho con đâu, con rút lui cũng phải đấy. Mà con có gò má cao, là tướng sát chồng nên bác cũng chẳng dám để con về làm dâu nhà bác đâu, khắc chết con trai bác khổ công nuôi lớn thì hỏng. Thôi con đã không nặng lòng với thằng Nam thì từ nay bác chẳng dám làm phiền con nữa!”. Trân dở khóc dở cười, hóa ra bác ấy tưởng cô vẫn muốn níu kéo Nam nên định lợi dụng nốt đây mà. Tiếc thay, cô đã không còn vương vấn nên bác ấy cũng chẳng có cơ mang con trai ra làm "mồi câu" được nữa.
Mỗi khi nhớ lại sự thực dụng và lợi dụng đến mức không còn từ nào để mô tả của người mẹ chồng hụt mà Trân sợ phát khiếp. Mọi chuyện đã qua nhưng thi thoảng vô tình nhớ tới cũng đủ cô toát mồ hôi, giật mình thon thót. Trân cũng thầm thấy bản thân may mắn vì mẹ Nam giờ đã là mẹ chồng hụt chứ không phải mẹ chồng chính thức của cô.