Chị Maggie Ashe (33 tuổi, ở Blackpool, Lancashire, Anh) là phụ nữ mắc phải căn bệnh hiếm gặp này - hội chứng vi khuẩn ăn thịt (Necrotizing fasciitisNF). Năm 2010, sau khi sinh con thứ hai, bệnh tình của chị Maggie đã trở nên trầm trọng. Chị Maggie Ashe cho biết, khuẩn NF đã gặm mòn cả mỡ, thành dạ dày lẫn thịt ở hông, biến cơ thể chị giống như bị cá mập cắn.
Thực ra, đây không phải là lần đầu mắc bệnh mà chị Maggie đã bị khuẩn NF hỏi thăm tới lần thứ 3, theo đó, cứ sinh con bệnh lại tái phát, âm thầm phát triển ngay trong giai đoạn thai kỳ, thậm chí còn biến chứng, mắc cả các căn bệnh nan y, nhất là bệnh thủy đậu. Lần đầu khi mới mang thai, bệnh xuất hiện nhẹ nhưng sang lần thứ 2, sau khi mang thai đứa con thứ hai được 34 tuần, vào tháng 9/2010, trên đùi chị Maggie đã xuất hiện một khối u hình trái đào, sau 2 ngày khối u thâm đen và kích thước lớn bằng trái dưa hấu. Ngay lập tức bị sốt nặng, mê sảng và đau đớn chỉ muốn cắt bỏ chân.
Do đang trong giai đoạn mang thai nên bác sĩ đã kê đơn dùng thuốc giảm đau và kháng sinh. Sau 10 ngày, chị Maggie lại xuất hiện tiếp một vùng thịt ở mông bị nhiễm khuẩn buộc phải cắt bỏ, vì vậy, việc sinh con thứ 2 phải mổ cấp cứu, rất may đứa bé khỏe mạnh bình an. 3 ngày sau mới được phép gặp con nhưng vẫn trong tình trạng nhiễm khuẩn trầm trọng, thậm chí không thể bế con được nhưng đứa trẻ đã giúp chị Maggie có thêm nghị lực điều trị và gắn bó tình mẫu tử. Sau khi cắt bỏ vùng bị nhiễm bệnh, bác sĩ đã vá một miếng da dài 12 inxơ (trên 30cm) ở trên đùi trái. Sau khi khỏi bệnh, chị Maggie Ashe cho rằng căn bệnh này đã được khắc phục hoàn toàn nhưng mới đây, sau khi sinh bé gái thứ 3 dạ dày lại có vấn đề, xuất hiện tình trạng chảy máu, buộc gia đình lại phải đưa vào Bệnh viện Blackpool Victoria cấp cứu. Sau khi được phẫu thuật, tháng 1/2014, chị Maggie đã xuất viện và hiện đang trong giai đoạn phục hồi sức khỏe.
Hiện tượng mắc bệnh NF như chị Maggie tuy hiếm nhưng diễn ra trong giai đoạn thai kỳ nhiều lần quả là hiếm gặp. Theo các chuyên gia ở Cơ quan Y tế cộng đồng Anh (PHE), đây là căn bệnh nhiễm khuẩn hiếm gặp và nguy hiểm, ảnh hưởng đến phần mô mềm và phần cơ xơ, bó xơ làm nhiệm vụ phân cách mô liên thông hoặc liên kết các cơ với bộ phận khác trong cơ thể.
Chị Maggie Ashe và các con (ảnh trái). Bệnh NF xuất hiện trên đùi chị Ashe sau khi mang thai con trai thứ hai được 34 tuần tuổi (ảnh phải).
Hội chứng vi khuẩn ăn thịt còn gọi là bệnh thối rữa thịt hay bệnh viêm cân mạc hoại tử. Đây là chứng nhiễm khuẩn nguy hiểm, được y học mô tả lần đầu vào năm 1952. Khuẩn có thể thâm nhập cơ thể qua các vết trầy xước, tổn thương trên da hoặc qua quá trình phẫu thuật. Đôi khi lại không có những dấu vết tiếp xúc hay thâm nhập cụ thể.
Triệu chứng dễ nhận biết của bệnh NF là xuất hiện vết thương sưng đau cục bộ, viêm, sốt và gây loạn nhịp tim. Trong vài giờ bệnh tiến triển, mô sưng, da đổi màu, phồng rộp kèm theo dịch nước, tiêu chảy và ói mửa. Trong giai đoạn đầu, các dấu hiệu viêm có thể không rõ ràng do khuẩn đang ở sâu trong mô, nhưng khi lộ thiên nó làm cho da đổi màu và chuyển sang hoại tử. Tỷ lệ tử vong ghi nhận cao tới 73% nếu không được chữa trị hay trợ giúp y tế kịp thời.
Nguyên nhân gây bệnh NF là do sự tham gia của nhiều loại vi trùng khác nhau, như liên cầu khuẩn streptococcus nhóm A (Streptococcus pyogenes), Staphylococcus aureus, Clostridium perfringens, Bacteroides fragilis, Aeromonas hydrophila. Thủ phạm chính vẫn là khuẩn Treptococcus nhóm A. Bệnh được phân thành hại dạng, týp I (đa vi trùng) và týp II (đơn vi trùng). Phần lớn mắc bệnh đều thuộc týp I, týp II chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 25-45%. Bệnh phổ biến ở nhóm người có hệ miễn dịch bị tổn thương thứ phát hoặc mắc bệnh mạn tính. Ở nhóm týp II thường do liên cầu nhóm A. Gần đây, bệnh NF, nhất là týp I đang có chiều hướng khó điều trị do xuất hiện bệnh MRSA (tụ cầu vàng kháng methicillin). Tụ cầu khuẩn gây bệnh NF lan truyền từ người sang người khi tiếp xúc với tiết dịch của cơ thể với người bị nhiễm bệnh hoặc qua đường không khí khi giao tiếp, hôn nhau hoặc dùng chung vật dụng.
Về điều trị, trước tiên phải được phát hiện kịp thời và điều trị tích cực nhằm giảm thiểu biến chứng. Có thể can thiệp bằng phẫu thuật và dùng kháng sinh như piperacillin, tazobactam, vancomycin, clindamycin và kết hợp với hồi sức tích cực. Việc phẫu thuật có thể dựa trên mức độ mắc bệnh, mức độ nhiễm trùng, hoại tử cụ thể giúp loại bỏ các tế bào bị nhiễm bệnh để hạn chế lây lan. Chẩn đoán xác định bằng cách kiểm tra hình ảnh của mô và bằng kính hiển vi. Trong trường hợp cá biệt, vết thương lớn hoặc mức độ phá hủy mô cao người ta có thể áp dụng thủ thuật hyperbaric oxygen (liệu pháp ôxy bội áp) sẽ mang lại tác dụng tích cực. Nếu cần, bác sĩ có thể cắt bỏ chi để tránh lây nhiễm đến các bộ phận khác của cơ thể.