Khỏe đẹp

Nguyên nhân gây lệch kích thước tay

Có rất nhiều trường hợp rơi vào tình trạng 2 bên cánh tay hoặc chân có kích thước khác nhau, bên to bên nhỏ, bên dài bên ngắn.

Mối lo khi kích thước 2 tay/ chân chênh lệch

 
Có rất nhiều trường hợp rơi vào tình trạng 2 bên cánh tay hoặc chân có kích thước khác nhau, bên to bên nhỏ, bên dài bên ngắn. Điều này có thể xảy ra khi cường độ hoạt động của 2 tay hoặc 2 chân khác nhau. Tay/chân nào hoạt động nhiều hơn, thường xuyên hơn sẽ có kích thước lớn hơn.
 
Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên xem thường dấu hiệu này bởi đó còn có thể là biểu hiện của một chứng bệnh có tên là bệnh u xương sụn đấy!
 
 

Tìm hiểu về bệnh u xương sụn

 
U xương sụn là sự quá phát của xương và sụn ở quanh các đầu xương, gần với sụn phát triển của xương (được gọi là sụn tiếp). Điều này có thể xảy ra với bất kỳ xương nào có bản sụn phát triển như xương dài (xương đùi, xương chầy, xương cánh tay, các xương cẳng tay), xương chậu, xương bả vai…
 
U xương sụn là tổn thương lành tính thường gặp nhất của các xương đang phát triển. Nguyên nhân gây ra bệnh được cho là do yếu tố gen nhưng hiện tại vẫn chưa được khẳng định chính xác.
 
Biểu hiện của u xương sụn thường gặp là có sự chênh lệch về chiều dài của 2 tay hoặc 2 chân, tay chân có sự biến dạng về hình thái (cong, vẹo), nổi u, đau ở các cơ bắp liền kề… Các biểu hiện này cũng có thể nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Cách tốt nhất, các bạn nên đến bác sĩ khám và tham khảo ý kiến điều trị.
 

Cách điều trị

 
Ngoài việc khám lâm sàng, việc kiểm tra bệnh u xương sụn cần được thông qua chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ… Các hoạt động này sẽ giúp xác định một cách chính xác tình trạng bệnh, từ đó đưa ra cách điều trị hợp lý nhất.
 
Việc điều trị u xương sụn cần phụ thuộc và kích thước, vị trí, số lượng u, mức độ ảnh hưởng của u xương sụn tới cơ thể cũng như vận động của các khớp. Thông thường, u xương sụn được chữa trị bằng các phương pháp như phẫu thuật để lấy bỏ khối u, dùng thuốc để kiểm soát các triệu chứng(đau)… Nếu bệnh nhân u xương sụn không có các triệu chứng tiêu cực, không gây ảnh hưởng tới hoạt động của các bộ phận khác thì không nhất thiết phải can thiệp. Tuy nhiên, các bạn vẫn cần theo dõi các biểu hiện của phần u đó để tránh các biến chứng nặng và điều trị loại bỏ khi cần thiết.