Trong những ngày này, cơ thể mệt mỏi, chán ăn nhưng bạn càng cần ăn đủ các thực phẩm giàu dinh dưỡng.
Hãy cân bằng, bảo đảm tính đa dạng của thực phẩm bằng cách bổ sung đầy đủ 4 nhóm thực phẩm.
Để phù hợp với nhu cầu đặc biệt của mùa nắng nóng nên ăn nhiều và đa dạng các loại trái cây trong mùa hè và điều chỉnh các thành phần đó trong khẩu phần hằng ngày như sau:
Glucid - gạo, bún, bánh đa, bánh mì
Tùy mức vận động tiêu hao năng lượng của cơ thể mà có định lượng ăn thích hợp.
Tuy nhiên, mùa hè không cần ăn quá nhiều, trung bình 1 bát cơm/bữa, với những người phải lao động nặng thì cần ăn theo nhu cầu của cơ thể.
Protein - nhóm thịt cá, gà, trứng, đậu (cả đậu hạt và đậu quả)
Chất đạm rất cần để duy trì cơ thể khỏe mạnh, trí óc minh mẫn và có khả năng miễn dịch tốt.
Tuy nhiên, trong mùa hè cần chế biến sao cho dễ ăn, dễ tiêu, hạn chế các món xào, rán… lượng protein có trong khẩu phần ăn cũng nên vừa đủ.
Lipid - chất béo, mỡ
Nhu cầu chất béo phụ thuộc vào tuổi, tính chất lao động, khí hậu…
Ở người trẻ và trung niên tỷ lệ giữa đạm và lipid có thể là 1:1 nghĩa là lượng đạm và lipid ngang nhau trong khẩu phần.
Còn ở người cao tuổi lượng lipid chỉ nên bằng 1/2 lượng đạm.
Tuy nhiên, trong những ngày hè nóng bức, bạn nên hạn chế lượng chất béo và tăng cường bằng rau xanh.
Vitamin và các chất khoáng (nhóm rau củ và trái cây)
Rau xanh là loại thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn của người Việt, đặc biệt vào mùa hè nhu cầu về rau xanh trong các gia đình lại càng được tăng cao.
Nên chế biến rau củ ở dạng luộc, sa-lát trộn hoặc món xào với thật ít dầu mỡ, đồng thời nên tăng cường dạng nấu canh rau củ…
Các loại rau thanh mát, có tác dụng giải nhiệt được ưa thích trong mùa hè như bí đao, mướp đắng, mồng tơi, rau muống…