Sống đẹp

Những nàng dâu thời công nghiệp

Dường như những nàng dâu ngày nay càng giỏi giang thì nữ tính cũng như vai trò làm vợ, làm mẹ của họ cũng suy giảm đi ít nhiều. Phải chăng trong mọi trường hợp, việc “được cái này thì mất cái kia" muôn đời vẫn là quy luật không hề thay đổi?

Tôi cũng là một người mẹ có hai con đã trưởng thành. Dù khoảng cách giữa hai thế hệ - tôi và các con tôi cách nhau không bao xa nhưng sự khác biệt về cách sống, nếp sinh hoạt giữa tôi và các con, cụ thể là con gái và con dâu là khá lớn.

Ngày con trai tôi đưa vợ sắp cưới về ra mắt gia đình, tôi rất hài lòng về con dâu tương lai của mình (bây giờ vẫn thế). Con dâu tôi là một cô gái xinh xắn, cách cư xử khéo léo, lễ phép, chu đáo và biết quan tâm đến gia đình chồng. Thêm vào đó, cô làm việc trong một công ty liên doanh khiến tôi - một người mẹ chồng, hoàn toàn có thể tự hào về con dâu của mình.

Hàng ngày, chồng và các con đều đi làm hết, chỉ có mình tôi ở nhà nên việc chợ búa, cơm nước do một tay tôi lo. Tôi chẳng câu nệ cũng chẳng phân biệt dâu con. Ngày nào cũng thế, khi chồng và các con tôi về đến nhà là cơm nước đã sẵn sàng, con dâu và con gái tôi chỉ phụ mẹ dọn cơm và... rửa chén. Tôi cũng thông cảm cho con dâu vì cô ấy cũng đi làm cả ngày, về đến nhà là đã hết hơi, thậm chí cô ấy còn không có cả thời gian để trò chuyện với tôi. Hiểu được sự vất vả và những áp lực trong việc mưu sinh của con dâu nên tôi không hề trách cứ.

Nhưng tôi hơi thất vọng những khi nhà có giỗ, tiệc mà con dâu tôi cứ lóng nga lóng ngóng. Nhờ cô ấy gọt rổ khoai tây thì mất gần nửa tiếng đồng hồ mới xong, lắm khi còn bị trầy trật đứt tay vì không quen xài dao. Rốt cục, mỗi khi nhà có tiệc hay dịp gì đó, cô ấy vẫn chỉ có thể phát huy hết khả năng của một người... phụ tá với những công việc lặt vặt như lặt rau, rửa chén. Nghĩ đến khả năng nói tiếng Anh như gió của con dâu cũng như uy tín của cô ấy trước bao nhiêu đồng nghiệp tôi lại tự an ủi: nhân vô thập toàn. Ngày xưa lúc bằng tuổi con dâu mình, tôi đâu được năng động, giỏi giang như con dâu bây giờ dù tôi giỏi việc tề gia nội trợ, chăm sóc con cái.

Thực ra, con dâu tôi chẳng có gì xấu, còn cách sống của cô ấy chỉ là sản phẩm của lối sống công nghiệp, chỉ cần có một công việc ổn định, kiếm được nhiều tiền, còn mọi việc ở nhà đã có máy móc hoặc người giúp việc lo. Nhưng khi nghĩ đến bổn phận của người phụ nữ trong gia đình với thiên chức làm vợ, làm mẹ, tôi thấy tài ba như con dâu tôi vẫn có điều gì đó chưa ổn... Rút kinh nghiệm, tôi chuyển sang "huấn luyện" cho cô con gái của mình, hy vọng người mẹ chồng tương lai của nó sẽ không ít nhiều thất vọng về nàng dâu giống như tôi.

Cũng như chị dâu, con gái tôi cũng có trong tay bằng này bằng nọ với một công việc tương đối khá, tôi hình dung thời gian của nó rồi cũng sẽ dành cho xã hội, cho công việc nhiều hơn là cho gia đình nên tranh thủ những ngày nghỉ ở nhà, tôi không cho nó đi chơi với bạn bè nhiều như trước, thay vào đó, tôi dạy nó những công việc của một bà nội trợ. Khi con gái tôi lấy chồng, tôi đã hoàn toàn tự tin về những kiến thức mà tôi đã truyền đạt cho nó.

Không giống như con dâu tôi, vợ chồng con gái tôi ra riêng ngay sau ngày cưới. Tôi nghĩ cuộc sống riêng sẽ giúp con tôi tự lập, giỏi quán xuyến nhà cửa vì không có ai để mà cậy nhờ hoặc ỷ lại. Thời gian đầu, con gái tôi khá chu toàn trong việc coi sóc nhà cửa nhưng chưa được bao lâu thì nó được cơ quan cử đi học nâng cao nghiệp vụ vào buổi tối. Mỗi ngày, sau giờ làm việc, nó phải tranh thủ chạy đua với thời gian để kịp chuẩn bị bữa cơm chiều cho chồng và đến lớp học vào buổi tối. Chỉ sau một tháng đi học, về thăm nhà, thấy nó bơ phờ, mệt mỏi, tôi cũng xót ruột. Dẫu biết gia đình vẫn là trên hết nhưng công việc cũng là một phần không thể thiếu nếu không muốn nói là nó góp phần quan trọng trong cuộc sống gia đình. Thấy con gái không thể kéo dài sự vất vả như thế, tôi khuyên con đặt cơm tháng ở ngoài để có thể nghỉ ngơi, giữ sức khỏe và chăm sóc chồng. Chưa được bao lâu sau thì nó lại có con. Ðặt cơm ngoài mãi cũng tốn kém, hơn nữa lại cần có người trông con, con gái tôi thuê người giúp việc. Những "bí quyết”, “thủ thuật” trong việc nấu ăn, tề gia nội trợ tôi dạy trước đây chẳng biết con gái tôi còn nhớ được những gì. Trước hoàn cảnh ấy, dù muốn con mình giữ trọn "tứ đức" của người phụ nữ, tôi cũng không thể khuyên con mình làm khác hơn.

Cuộc sống trong xã hội thay đổi theo thời đại nên cách sống con người ta cũng thay đổi để thích nghi cũng là điều tất nhiên. Những tình cảm dành cho con dâu của tôi trước sau gì vẫn vậy và tôi hy vọng mẹ chồng của con gái tôi cũng hiểu và thông cảm cho nó như thế. Tôi không cổ súy cho cách sống thúc thủ, gò bó của người phụ nữ trước kia, cũng không phản đối lối sống hiện đại với những tiện nghi, phương tiện phục vụ cho con người cũng như những con người hiện đại lệ thuộc vào máy móc, vào những công cụ, dịch vụ hỗ trợ... Tuy nhiên, chứng kiến cách sống của con gái, con dâu tôi - những nàng dâu thời hiện đại, tôi không khỏi chạnh lòng... Dường như những nàng dâu ngày nay càng giỏi giang thì nữ tính cũng như vai trò làm vợ, làm mẹ của họ cũng suy giảm đi ít nhiều. Phải chăng trong mọi trường hợp, việc “được cái này thì mất cái kia" muôn đời vẫn là quy luật không hề thay đổi?

Đỗ Thu Vân