Thùy Vân, cô em dâu út của tôi đòi gắn máy lạnh trong phòng riêng của hai vợ chồng cô ta. Chuyện sẽ chẳng có gì ầm ĩ nếu họ tự bỏ tiền ra mua sắm. Đằng này, Thùy Vân òn ỉ mẹ chồng tôi. Cô ta than thở sắp sinh em bé, phải dành dụm cho chuyện sinh nở nên hỏi mẹ chồng tôi “cho con vay một ít”. Nhưng mẹ chồng tôi gạt đi: “Không có vay mượn gì hết, để mẹ nói anh chị hai mua cho”.
Tôi đang ngồi ủi quần áo gần đó không nói gì. Trong khi cô em dâu vẫn ngọt nhạt với mẹ chồng tôi về chuyện cô nàng sắp sinh mà đồ đạc chưa sắm sửa được gì... Tôi mím môi, nhất định không xen vào câu chuyện của họ.
Tôi về làm dâu nhà Phong đã 5 năm. Thật tình tôi không muốn ở chung với gia đình chồng nhưng Phong là con trai đầu, anh bảo chừng nào ba mẹ cho ra riêng thì mới dọn đi chứ tự mình, anh sẽ không nói. Vì chuyện này mà chúng tôi giận nhau hết mấy ngày. Tôi bảo Phong nuốt lời bởi trước khi cưới, anh hứa cưới xong rồi, tôi muốn ở đâu cũng được.
Mới đó mà đã 5 năm. Đối với tôi đó là một thời gian quá dài bởi cuộc sống của tôi hoàn toàn đảo lộn. Thậm chí, một giấc ngủ ngon cũng không có vì theo quy định của nhà chồng, 5 giờ sáng tất cả phải thức dậy để làm việc nhà. Lúc đầu tôi dậy không nổi bởi tối nào cũng thức làm việc tới nửa đêm. Tôi bảo Phong: “Như vầy hoài chắc em chết quá!”. Nhưng anh gạt đi: “Có ai chết vì dậy sớm đâu?”. Tôi lại giận anh vì câu nói đó. Có cảm giác bây giờ trong mắt anh, tôi trở thành thứ yếu, thành người cuối cùng xếp theo thứ tự tình cảm và sự quan tâm trong tim anh.
Thời gian đầu chưa quen, vô cơ quan, tôi lại ngủ gật. Mọi người xầm xì, bàn tán, trêu ghẹo. Tôi lặng thinh và bắt đầu làm quen với trà, cà phê để đầu óc tỉnh táo. Và rồi mọi thứ cũng quen dần. Thời khóa biểu của tôi ở nhà chồng: sáng thức dậy giặt quần áo, dọn dẹp, lau nhà, nấu bữa sáng cho cả nhà, đi chợ mua thức ăn, đặt nồi cơm; buổi chiều nấu cơm, xếp và ủi quần áo, dọn dẹp nhà cửa. Những công việc đó lấy đi rất nhiều sức lực của tôi. Nó khiến cho tôi rất sợ buổi sáng, thậm chí có lúc tôi bị stress, muốn ngủ luôn không thức dậy nữa.
Một điều khiến tôi không vui khác là kể từ khi tôi về nhà chồng, mọi khoản thu chi của tôi đều phải báo cáo, công khai cho mẹ chồng. Lý do của việc này là “là người một nhà thì không có chuyện gì phải tư riêng”. Tôi nhận việc về làm thêm cũng phải báo cáo “vẽ quyển sách đó người ta trả bao nhiêu?”. Những câu hỏi dạng này có khi đến đúng lúc tôi đang cặm cụi sáng tạo bên bản thảo khiến tôi chẳng còn hứng thú với công việc. Tôi lại bảo Phong: “Mẹ vô phòng mà không gõ cửa làm em giật cả mình. Anh nói mẹ đừng hỏi em như vậy nữa được không? Làm mất hứng hết trơn”. Phong lại cười: “Tại mẹ quan tâm thì mới hỏi”.
Cứ vậy những ngày tháng nặng nề trôi qua. Nhưng nặng nề nhất có lẽ là từ năm thứ hai tôi về làm dâu nhà anh. Mẹ chồng tôi bắt đầu tra vấn về chuyện tôi không chịu sinh đẻ. Mà có phải tại tôi không chịu đâu? Tôi cũng muốn sinh cho bà một đứa cháu để bà vui, nhưng khổ nỗi, đâu phải muốn là được? Đi khám thì họ nói cả tôi và Phong đều khỏe mạnh, chỉ có hơi chậm một chút thôi, cứ yên tâm chờ. Tôi cũng thấy cơ thể mình hoàn toàn bình thường. Còn vì sao không đậu thai thì tôi chịu...
Cho đến khi cậu em chồng tôi cưới vợ thì tình hình lại khó khăn theo một hướng khác. Bây giờ tôi là chị dâu trưởng, phải chịu hi sinh, thiệt thòi. Tôi làm bao nhiêu tiền phải lo hết cho cả nhà, trong khi vợ chồng em út thì được để dành để lo chuyện riêng. Tôi bực quá lại trút vào chồng: “Làm vậy mà coi được sao? Em làm vợ, làm dâu hay bị gán nợ vậy?”. Chồng tôi lại vỗ về: “Thì mẹ đã nói rồi, mình làm lớn, phải chịu thiệt một chút, người nhà cả mà, có mất mát đi đâu hả em?”.
Nhưng tôi không thông với lý lẽ ấy: “Vậy chứ ba mẹ em là người dưng hả? Sao mỗi lần muốn mua cái gì cho ba mẹ em thì cũng phải xin phép mẹ anh hết vậy? Đời thuở nào, con gái muốn mua cho mẹ ruột một cái áo bằng tiền của mình mà phải được mẹ chồng duyệt mới được phép mua? Em chán lắm rồi”. Phong lại cười hì hì, buông những lời an ủi vu vơ khiến tôi càng thêm bực mình.
Sự bực bội ấy ngày càng tăng theo thời gian. Cho đến một ngày, tôi nói thật với mẹ chồng: “Con muốn ra ở riêng”. Mẹ chồng tôi tròn mắt: “Cái gì? Ra ở riêng là sao?”. Tôi nói rằng tôi rất mệt mỏi với áp lực công việc ở cơ quan, công việc ở gia đình. Nếu cứ tiếp tục như vầy, tôi sẽ không thể nào còn tâm trí để mà làm vợ, làm dâu và làm việc để kiếm tiền.
Mẹ chồng tôi im lặng hồi lâu rồi hạ giọng: “Mẹ biết là con vất vả nhưng đã là dâu trưởng thì phải chấp nhận thiệt thòi. Mẹ không thể chấp nhận yêu cầu của con. Lại nữa, nếu con đi rồi thì mai mốt con Vân sanh, ai lo cho nó?”. “Sao lúc nào mẹ cũng nghĩ đến thiếm út mà không nghĩ cho con? Trong nhà này, mọi người có xem con là dâu con, là chị không hay chỉ xem con là người giúp việc?”- tôi không kềm được nên gay gắt.
Thế là bùng lên một trận cãi vã. Tôi biết mình sai khi trả treo với mẹ chồng nhưng tôi hết chịu nổi rồi. Nếu không nói ra, tôi chết mất. Phong về đúng lúc ấy. Thấy tôi và mẹ đang đỏ mặt tía tai, anh kéo tuột tôi vô phòng đóng chặt cửa lại. Mặt anh hầm hầm: “Anh không ngờ em tệ hại như vậy. Nhường nhịn người trong nhà mà có chết ai? Làm um sùm không sợ thiên hạ cười cho. Chuyện này chấm dứt ở đây, anh không muốn nghe nữa. Ra xin lỗi mẹ ngay”.
Trời ơi, chỗ dựa cuối cùng của tôi trong nhà này đã mất luôn rồi sao? Tôi thấy mặt mình nóng lên, tay chân bủn rủn. Tôi muốn chết quách cho xong để xem họ sẽ ăn nói sao với ba mẹ tôi. Thế nhưng sau đó, khi định thần lại, tôi không còn muốn chết. Tôi phải sống để đòi lại công bằng cho mình.
Nhưng công bằng đâu chưa thấy mà chỉ mấy hôm sau, mẹ chồng lại gọi tôi ra, lệnh cho tôi phải lo gắn máy lạnh cho phòng vợ chồng cô em dâu. Sao lại như thế chứ? Được rồi, để xem họ còn ăn hiếp tôi đến đâu.
Sáng hôm sau, tôi đi làm rồi đi luôn. Tôi không về nhà ba mẹ, tôi thuê nhà ở riêng. Tôi nhắn cho Phong: “Anh lo thủ tục ly hôn đi”. Mấy ngày đầu anh không thèm trả lời, nhưng sau đó thì hết năn nỉ lại đe dọa. Nhưng tôi nhất quyết không về.
Tôi chẳng biết mình đúng hay sai khi làm như vậy nhưng mỗi khi nghĩ đến việc phải về ngôi nhà ấy, tôi chỉ muốn đâm đầu xuống sông Sài Gòn hay uống vài chục viên thuốc ngủ...
Theo Eva