Tiến sĩ Lisa Oakes, chuyên gia nghiên cứu tâm lý tại Trung tâm Trí nhớ và Não bộ Đại học California, Mỹ giải thích thêm rằng: “Quá trình ghi nhớ và thu lượm thông tin từ môi trường xung quanh giúp trẻ phát triển các giác quan và kỹ năng sống”.
Trẻ không thể ghi nhớ như người lớn, vì chúng chưa có khả năng hồi tưởng chi tiết.
Theo thời gian, điều này sẽ dần được cải thiện. Ngay từ khi chào đời, bộ não của bé đã bắt đầu làm việc cật lực. Đầu tiên, là dạng trí nhớ tiến trình như các kỹ năng vận động: cách bú mẹ, nuốt, tạo ra âm thanh, cuộn người, theo nghiên cứu của tiến sỹ Stephen Christman – giáo sư tâm lý trường đại học Toledo, Ohio, Mỹ.
Đến 6 tuần tuổi, trẻ sẽ bắt đầu phát triển bộ nhớ ngữ nghĩa. Nhờ vậy trẻ nhận ra bố mẹ và phân biệt được bố mẹ với người khác. Bắt đầu từ đó trẻ cũng sẽ có cảm nhận về thức ăn, món nào mặn, món nào ngọt, món nào chúng thích.
Tiếp đó, bé có khả năng nhớ tên mình hay hiểu được ý nghĩa của các từ đơn giản như: quả bóng, con gà, cây kem…. Bước phát triển thứ ba của trí nhớ điển hình như nhớ được lần đầu đi sở thú sẽ bắt đầu ở thời điểm trẻ đến tuổi đi học.
Mặc dù ghi nhớ là tiến trình tự nhiên, nhưng cha mẹ vẫn có thể giúp con phát triển và thúc đẩy khả năng nhận biết tốt hơn với những gợi ý dưới đây:
Tiến sỹ Christman chỉ ra “Khi trẻ lần đầu tiếp xúc với con người, sự vật, sự viêc, sẽ có một bộ phận trong não chịu trách nhiệm lưu trữ và ghi nhớ. Đó là do não bé tạo sự kết nối giữa các dây thần kinh. Càng tạo ra nhiều kết nối thì trẻ càng có khả năng học hỏi ghi nhớ nhanh hơn”.
Mẹ âu yếm, chỉ cho bé cách nắm đồ vật, hay cùng nhau vui đùa trên thảm cỏ…. là những cách đơn giản giúp trẻ học hỏi tốt hơn. Một điều quan trọng nữa là hãy khuyến khích trẻ tự mình khám phá một khả năng nào đó ví dụ như cầm một quyển sách, bứt một chiếc lá….
“Bộ não cần thời gian để củng cố các kết nối và kiến thức đã nhận biết, quá trình này đòi hỏi sự lặp lại” tiến sỹ Oakes chia sẻ “Điều này giống như bạn xem một bộ phim lần thứ hai và phát hiện ra những chi tiết bị bỏ sót lần trước. Trẻ sơ sinh hình thành ký ức sâu sắc hơn nếu được tiếp xúc nhiều lần”. Vì thế hãy lặp lại một bài hát, chơi trò chơi yêu thích hàng ngày vào giờ cố định…, hãy thiết lập thói quen, thời gian biểu và thi thoảng thay đổi chúng một chút (ví dụ thay đổi “bà” bằng “ba” trong bài hát quen thuộc) sẽ giúp bé củng cố kiến thức cũ, giúp trẻ ghi nhớ và tiếp nhận những điều mới.
Những đứa trẻ thường xuyên giao tiếp với cha mẹ từ nhỏ sẽ có vốn từ vựng phòng phú và học nói nhanh hơn vì chúng có khả năng lưu giữ lượng từ vựng đã được nghe. Ngay khi con bắt đầu bập bẹ ở thời điểm 4-6 tháng tuổi, cha mẹ hãy tạo ra các tương tác như: mỉm cười, giao tiếp bằng ánh mắt, nhắc lại âm thanh trẻ vừa tạo ra và dừng lại cho bé phản ứng. “Việc trao đổi qua lại này giúp bé hiểu cách giao tiếp luân phiên, nghe, hiểu và nhắc lại” theo nghiên cứu của chuyên gia ngôn ngữ Sherry Artermeko, người sáng lập tổ chức “Play on words”.
Đọc sách là cách hiệu quả giúp trẻ học từ mới. Ví dụ, một câu chuyện về con cừu sẽ có những từ như: cừu, cây cối, cánh đồng, nước…trong nhiều ngữ cảnh khác nhau. Với các hoạt động trong ngày, nên cố gắng miêu tả lại đơn giản và rõ ràng để bé nghe, ví dụ như “Hãy đặt tay con lên chiếc áo kẻ sọc” hay “Gió thật mát, không khí thật trong lành”. Nói chuyện thật nhiều, bé không thể đáp lại bạn nhưng chúng hiểu ý nghĩa và cả cảm xúc khi bạn nói.
Trẻ ghi nhớ thông tin tốt hơn nếu chúng có giai điệu, theo các nhà nghiên cứu ở đại học Carnegie Mellon, Pittsburgh. “Những bài hát với nhịp điệu, vần điệu, cấu trúc nhịp nhàng giúp việc ghi nhớ dễ dàng hơn” tiến sỹ Artermenko giải thích. Vì thế hãy cho trẻ thường xuyên nghe những bài hát thiếu nhi đơn giản, có nhịp điệu vui tươi và lặp lại. Khi nói chuyện với bé, hãy dùng vần điệu. Ví dụ, bạn cho bé xem bức ảnh bà ngoại và ngân nga “Đây là bà ngoại, bà ngoại của Bi”….
Trẻ có xu hướng tái hiện lại các cảm xúc tích cực tốt hơn. Trong một nghiên cứu gần đây ở Đại học Brigham, Utah, một đứa trẻ năm tháng tuổi ghi nhớ các dạng hình học tốt hơn khi được tiếp xúc với người hướng dẫn có giọng nói và khuôn mặt vui vẻ, hạnh phúc. Điều đó chỉ ra rằng những cảm xúc tốt sẽ giúp trẻ tập trung ghi nhớ và học tập tốt hơn. Vì thế khi cùng chơi hay nói chuyện với bé, cha mẹ hãy thể hiện những biểu cảm vui tươi từ khuôn mặt cho đến giọng nói để con ghi nhớ thông tin tốt hơn nhé.