Khỏe đẹp

Học cách dạy con từ chuyên gia Havard

Theo Richard Weissbourd, một chuyên gia tâm lý của Đại học Harvard thì điều quan trọng khi nuôi dạy con trẻ không phải là cố ép chúng trở thành thiên tài mà phải dạy được chúng cách sống "tử tế, nhân hậu".
Một cuộc thăm dò do Weissbourd tiến hành mới đây đã cho thấy các bậc phụ huynh bị ám ảnh bởi thành tích học tập của con cái hơn là về tình cảm, tính cách của chúng. Tỷ lệ phụ huynh cảm thấy tự hào nếu điểm số ở lớp của con mình cao hơn các bạn cùng lớp nhiều gấp 3 lần so với những người hạnh phúc khi con mình tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, chăm sóc cộng đồng do trường tổ chức.

Chính vì thế, Weissbourd đã đưa ra những khuyến nghị về cách nuôi dạy trẻ để chúng trở thành những người "biết quan tâm, tôn trọng người khác và sống có trách nhiệm" khi trưởng thành. Bạn tự hỏi tại sao những phẩm chất này lại quan trọng? "Đó là vì nếu như muốn con bạn trở thành người tốt, bạn cần phải nuôi dạy chúng như vậy".

"Nhân chi sơ tính bản thiện. Một đứa trẻ ra đời chưa biết thế nào là tốt hay xấu, do đó, chúng ta không bao giờ được phép định kiến hay dễ dàng bỏ cuộc. Chúng cần sự giúp đỡ của người lớn để biết cách quan tâm, yêu thương người khác, sống trách nhiệm với cộng đồng dù ở bất cứ lứa tuổi nào"

Dưới đây là 5 bí quyết để nuôi dạy trẻ theo hướng như vậy, theo lời Weissbourd.

 

1. Luôn đặt việc quan tâm tới người khác lên hàng đầu

 

Vì sao? Các bậc cha mẹ thường có xu hướng coi trọng thành tích học tập cũng như niềm vui của con mình hơn là cách sống "vì người khác". Nhưng trẻ em cần phải học được cách cân bằng nhu cầu của mình với nhu cầu của người khác, dù cho đó là cho bạn mượn quả bóng hay là đứng ra bảo vệ một người bạn bị bắt nạt.

Bằng cách nào? Trẻ cần được bố mẹ dạy dỗ thường xuyên rằng: luôn phải quan tâm đến người khác. Hãy luôn nhắc nhở trẻ về sự "cam kết", kể cả khi trẻ không vui về điều đó. Lấy thí dụ, trước khi con bạn muốn bỏ đội bóng, ban nhạc hay nghỉ chơi với một bạn nào đó, chúng ta nên hỏi trẻ rằng chúng đã cân nhắc xem quyết định đó có ảnh hưởng đến tập thể và các bạn hay không. Cũng đừng quyên khuyến khích trẻ nghĩ cách giải quyết vấn đề trước khi từ bỏ.

Hãy thử:

• Thay vì nói: "Điều quan trọng nhất là con thấy vui", hãy nói với chúng: "Điều quan trọng nhất là con sống có trách nhiệm".

• Hãy đảm bảo rằng những đứa trẻ lớn luôn đối xử với em bé hơn một cách tôn trọng, kể cả khi chúng đang mệt hay bực tức.

• Nhấn mạnh vào sự yêu thương khi trò chuyện cùng những người lớn khác có vị trí quan trọng trong cuộc sống của trẻ, thí dụ như hãy hỏi giáo viên của trẻ rằng ở trường, trẻ có đối xử tốt với bạn hay không.

 

 

2. Luôn tạo cơ hội để trẻ tập quan tâm, chăm sóc người khác

 

Vì sao? Không bao giờ là quá muộn để trở thành người tốt, nhưng không có sự hướng dẫn, dìu dắt của người lớn, trẻ sẽ không thể tự mình trưởng thành được. Chúng cần được thực hành thường xuyên việc quan tâm, chăm sóc người khác, cũng như bày tỏ sự biết ơn đối với những ai yêu thương, quan tâm tới chúng. Các nghiên cứu đã cho thấy những ai có thói quen bày tỏ sự biết ơn cũng có xu hướng hào hiệp, tận tâm, vị tha hơn. Khả năng họ sống khỏe mạnh, hạnh phúc cũng cao hơn so với những người sống chỉ biết mình.

Bằng cách nào? Học cách yêu thương, chăm sóc người khác cũng giống như học chơi một môn thể thao/chơi một nhạc cụ vậy. Phải thực hành mỗi ngày, lặp đi lặp lại. Dù là giúp bạn làm bài tập về nhà hay đỡ người già qua đường. Hãy biến sự quan tâm thành bản năng ở trẻ.

Hãy thử:

- Không thưởng quà cho trẻ cứ mỗi khi trẻ giúp bố mẹ việc nhà (như lau bàn ăn chẳng hạn). Nên để trẻ hiểu việc đỡ đần bố mẹ, anh chị em, hàng xóm là việc hết sức bình thường. Chỉ khen ngợi, thưởng quà cho những hành vi tốt "bất thường" mà thôi.

- Hãy trò chuyện với trẻ về những hành vi thờ ơ và quan tâm trên truyền hình, về sự công bằng hoặc bất công mà trẻ chứng kiến trong đời thực hay nghe trên bản tin.

- Hãy dạy trẻ dành một phút biết ơn mọi người trước bữa ăn, trước khi đi ngủ... Sẵn sàng nói lời cảm ơn với người khác.

 

3. Mở rộng mối quan tâm của trẻ

 

Vì sao? Hầu hết trẻ em chỉ quan tâm đến bạn bè và gia đình của chúng. Thách thức của chúng ta là phải giúp chúng vượt ra khỏi vòng tròn nhỏ hẹp đó.

Bằng cách nào? Trẻ cần được học cách lắng nghe và chú ý đến những nhân tố mới xuất hiện trong cuộc sống của chúng, để ý đến những người yếu đuối, cần sự giúp đỡ.

Hãy thử:

- Hãy dạy trẻ luôn thân thiện và tử tế với những người mới gặp, kể cả khi đó chỉ là một chú tài xế xe buýt hay một cô phục vụ bàn.

- Khuyến khích trẻ quan tâm đến những người yếu đuối, tạo cho trẻ cảm giác thoải mái khi giúp đỡ người khác.

- Sử dụng một tờ báo hoặc mẩu tin trên TV để khuyến khích trẻ nghĩ về những khó khăn mà trẻ em ở các nước nghèo đang gặp phải.

 

 

4. Hãy là tấm gương lớn nhất cho trẻ

 

Vì sao? Trẻ sẽ học các giá trị đạo đức bằng cách quan sát hành động của những người thân thiết nhất với chúng. Bạn không thể mong chúng cư xử tốt với một người nếu bản thân bạn luôn tỏ ra hằn học, ghét bỏ người đó.

Bằng cách nào? Bạn phải thành thật, công bằng với trẻ và luôn quan tâm đến người khác. Nhưng điều đó không có nghĩa là lúc nào bạn cũng phải cố làm người hoàn hảo. Để trẻ tôn trọng và tin tưởng chúng ta, các bậc phụ huynh cần biết thừa nhận sai lầm và điểm yếu của mình trước trẻ. Bạn cũng cần tôn trọng suy nghĩ và lắng nghe quan điểm của chúng.

Hãy thử:

- Hãy tham gia các hoạt động cộng đồng ít nhất 1 lần/tháng và rủ cả gia đình dự cùng.

- Hãy hỏi trẻ về những tình huống khó xử mà chúng gặp phải trong ngày khi cả nhà đang ăn tối cùng nhau, giúp trẻ tìm ra cách giải quyết những tình huống đó.

 

5. Hướng dẫn trẻ kiểm soát những cảm xúc tiêu cực

 

Vì sao? Thường thì khả năng quan tâm tới người khác luôn bị lấn át bởi sự giận dữ, xấu hổ, ghen tỵ hoặc vô số cảm xúc tiêu cực khác.

Bằng cách nào? Chúng ta cần dạy trẻ rằng mọi cảm xúc đều là bình thường, nhưng trẻ cần học cách tiết chế những cảm xúc tiêu cực.

Hãy thử:

Đây là một cách đơn giản để trẻ bình tĩnh trở lại: Hãy yêu cầu trẻ dừng lại, hít thở thật sâu qua đường mũi rồi thở ra đường miệng. Sau đó đếm đến 5. Hãy tập luyện việc này cùng trẻ khi trẻ đang bình tĩnh. Sau đó, bất cứ khi nào thấy trẻ bực bội, giận dữ, hay nhắc trẻ nhớ các bước nói trên và làm việc đó cùng trẻ. Một lúc sau, khi trẻ đã giảm xúc động, hãy để trẻ có cơ hội bày tỏ cảm xúc của mình một cách bình tĩnh hơn.