Khỏe đẹp

Những lưu ý giúp trẻ hứng thú với bữa ăn - Phần 1

Làm gì để con hứng thú với bữa ăn của mình? Làm thế nào để con chịu ăn rau quả? Con đã 2 tuổi nhưng không chịu ăn cơm? Cùng Bloglamdep giải đáp ngay câu hỏi trên nhé!

Làm gì để trẻ hứng thú với bữa ăn của mình? Làm thế nào để trẻ chịu ăn rau quả? Trẻ đã 2 tuổi nhưng không chịu ăn cơm? Cùng Bloglamdep giải đáp ngay câu hỏi trên nhé!

1. Đừng nghe và tin hoàn toàn vào lời quảng cáo

 

Nếu như các bà mẹ tiếp nhận thông tin không có định hướng và chọn lọc chỉ một mực đi tin vào quảng cáo chính là đang làm hại con. Thấy con không ăn, ngay lập tức mua thuốc bổ để kích thích để con có bữa ăn ngon. Thấy con ốm hơn những đứa trẻ khác thì cho con ăn bột sớm.

Sẽ không có loại thuốc bổ nào có khả năng kích thích trẻ ăn nhiều nếu không phải cơ thể đứa trẻ tự thấy muốn ăn. Sẽ không có loại bột hay loại sữa nào thần kỳ giúp tăng cân, tăng chiều cao khi cơ chế tăng trưởng của trẻ còn tùy thuộc về nhu cầu tự nhiên và khả năng hấp thụ. Một đứa trẻ béo phì thì chiều cao sẽ hạn chế và cơ thể có quy luật của chúng. Vì vậy, quảng cáo không giúp các bà mẹ nuôi được đứa trẻ khoẻ mạnh, khi chỉ can thiệp bằng thuốc hay thực phẩm chức năng quá nhiều sẽ không giúp đứa trẻ phát triển.

 

Đừng nghe và tin hoàn toàn vào lời quảng cáo (ảnh: Emdep)

2. Khởi đầu của quá trình ăn dặm không phải bằng bột ăn sẵn

 

Một nguyên nhân trực tiếp làm cho trẻ biếng ăn là bữa ăn cho trẻ ăn dặm bằng bột. Các bà mẹ Việt thường xuyên cho trẻ ăn dặm bằng bột có vị ngọt rồi đến bột mặn, vì tin vào kinh nghiệm truyền thống rằng trẻ được ăn dặm như thế sẽ tốt cho quá trình tiêu hoá, giúp trẻ ăn ngon miệng, tăng cân tốt hơn. Một đứa trẻ khi mới bước vào quá trình ăn dặm, bất kể thực phẩm nào khi ăn cũng sẽ vô cùng hấp dẫn. Bởi tại thời điểm đó, trẻ đang hoàn thiện hệ tiêu hoá và bắt đầu bị kích thích với thực phẩm nên rất nhạy cảm về mùi vị. Ăn bột dù là ngọt hay mặn đều có chứa các loại gia vị, chất điều tiết mùi vị, tạo hương, tạo màu… Những chất đó có khả năng đánh lừa hết cảm giác về hương vị thật của món ăn và khi một đứa trẻ đang trong giai đoạn này bị mất đi quyền tự khám phá hương vị của những món ăn nguyên chất tự nhiên, thay vào đó là các chất nhân tạo kia, chúng sẽ không thể tìm thấy sự hấp dẫn từ thực phẩm tự nhiên do bản năng khám phá ra nữa.

 

Khởi đầu của quá trình ăn dặm không phải bằng bột ăn sẵn (ảnh: Emdep)

 

Bên cạnh đó, lượng bột cho trẻ ăn một ngày khi mới khởi điểm thông thường là quá nhiều cho một hệ tiêu hoá non nớt đang cần thời gian để làm quen dần và hoàn thiện. Với số lượng ăn là 3 bữa bột trong ngày, bé sẽ không còn có nhu cầu nạp thêm sữa. Mà sữa đối với trẻ dưới 1 tuổi là thực phẩm bổ sung chính và không thể thay thế. Thay sữa bằng bột, không những khiến bé biếng ăn theo thời gian mà còn khiến bé có các nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Vì thế để trẻ ăn ngon chính là một quá trình rèn luyện lâu dài và tuyệt đối không nên bắt đầu cho trẻ ăn dặm bằng các loại bột bán sẵn..

3. Không bắt đầu ăn dặm quá sớm

 

Thời điểm vàng để cho trẻ bắt đầu ăn dặm là 6 tháng đối với trẻ bú mẹ hoàn toàn. 5 tháng rưỡi với trẻ dùng sữa ngoài. Thật nghịch lý khi có nhiều người mẹ vẫn tin rằng, muốn trẻ tăng cân tốt thì cần bổ sung tinh bột sớm, trẻ có dấu hiệu chép miệng và ngủ không ngon là biểu hiện của đói bụng. Điều này dẫn đến việc, các mẹ sẽ tự bổ sung bột cho bé dưới 5 tháng để giúp bé ngủ ngon và tăng cân tốt.

Có một nguyên tắc trong chu kỳ sinh học của trẻ sơ sinh: Ngủ ngoan = Chơi ngoan = Ăn ngoan. Ngủ đủ giấc, chơi đủ giờ và có bữa ăn đúng thời điểm thì trẻ sẽ tự khắc phát triển thành thói quen và điều này sẽ giúp trẻ tự động làm theo quy luật mỗi ngày.

 

Nguồn: Meohaybotui