Khỏe đẹp

Việc bố mẹ cần làm để chống

Bên cạnh việc chuẩn bị sức khỏe và tâm lý để chào đón đứa con thứ hai thì bố mẹ cũng cần có kế hoạch chuẩn bị tâm lý thật tốt cho con đầu lòng.

Khi có con thứ, việc con lớn có chút ghen tỵ với em là điều hoàn toàn dễ hiểu. Nhiệm vụ của bạn là giúp con lớn có thể kiểm soát sự ghen tuông này và phát triển tình yêu tích cực với em.

Vì thế bất kì sự chuẩn bị nào cho con lớn ngay từ khi bạn bắt đầu có kế hoạch mang thai đều rất hữu ích và không bao giờ là quá sớm. Mục đích của bạn là khiến con cảm thấy vui vẻ khi có em, cảm giác vẫn được kết nối, và coi trọng ngay cả khi em bé đã chào đời. 

Dưới đây là những chia sẻ nho nhỏ giúp bố mẹ có thể chuẩn bị tâm lý tốt cho con lớn khi con thứ sắp chào đời.

 

Trước khi sinh:

chong-soc-cho-con-dau-khi-co-con-thu-01

Giúp con gắn kết với em từ trong bụng

Hãy thông báo với con về việc con có em bé. Nói chuyện với con về em bé trong bụng trước khi em bé chào đời, tùy vào độ tuổi và mức độ nhận thức của con mà mẹ có cách "giới thiệu em" khác nhau. Mẹ có thể cho con lớn xem những tấm hình siêu âm em bé đang ở trong tử cung. Hãy để cho con có cơ hội để vỗ nhẹ vào bụng mẹ, nói chuyện với em và cảm nhận được sự chuyển động của em bé trong bụng... Dần dần, con sẽ nhận thức được về việc sắp có một em bé nữa có thể "bầu bạn" với mình.

 

Gợi lại thời gian lúc con lớn còn bé xíu

Hãy ngồi lại với con và cùng con xem lại những bức ảnh thời con còn bé từ lúc sinh ở bệnh viện, về nhà, lúc biết đi... đến bây giờ. Bằng cách này, mẹ có thể giúp con hiểu được phần nào "có em bé sẽ như thế nào" và giúp con chuẩn bị tốt tinh thần để làm anh, chị.

 

Cùng mẹ chuẩn bị đồ cho em

Việc để con tham gia vào những bước chuẩn bị đồ dùng cho em trước sinh cũng là một cách để chuẩn bị tâm lý cho con. Trẻ có thể giúp mẹ giặt đồ, phơi đồ, gấp đồ cho em... Bố mẹ cũng có thể dẫn con đi chọn mua một số đồ cần thiết cho em và để con quyết định như: Giường, cũi, một số đồ chơi nhỏ...

 

Sau khi sinh: 

chong-soc-cho-con-dau-khi-co-con-thu-02

Biến con lớn thành "người hùng" trong mắt em

Khi bạn có thời gian vui chơi và ở cùng hai con, hãy tạo điều kiện cho con lớn quấn quýt và gần gũi với em bé. Bạn có thể gọi con lớn lại gần, "giới thiệu" với em bé về anh (chị) của nó. Đừng quên nêu ra những đặc điểm, tính cách tốt của con lớn trước mặt em. Ví dụ: "Đây là anh (chị) của con, anh Bin lắp ghép đồ chơi rất giỏi. Và còn biết chia sẻ với các bạn nữa...". 

Ngoài ra, trẻ con cũng thích được "sai vặt" và giúp mẹ làm việc. Mẹ có thể "sai" con lớn làm những việc nhẹ như lấy bỉm, nước... cho em. Chắc chắn bé sẽ nhận thức được vai trò "người lớn" của mình và tự hào về điều đó.

Những câu nói kiểu như:

- Anh Tí ơi, em thích nghe anh hát lắm đấy.

- Nhìn kìa, em đang bắt chước con này.

- Ôi, con chó đang làm em sợ kìa con. Con giúp em đi!

...sẽ khiến con cảm thấy mình quan trọng và kích thích con lớn gắn kết với em nhiều hơn.

 

Đọc sách về tình cảm anh em cho con nghe

Đây là cách để quan sát những cảm xúc của trẻ về việc có em. Mục đích của bạn là giúp con hiểu được cảm xúc của mình và giúp con kiểm soát tốt những hành động của mình, khuyến khích các liên kết tích cực và giảm thiểu những cảm xúc tiêu cực. 

 

chong-soc-cho-con-dau-khi-co-con-thu-03

Tạo điều kiện để chúng gắn kết với nhau nhiều hơn

Thường xuyên cho con lớn ngồi bên và có thể bế em (với sự hỗ trợ) của bố mẹ, ông bà... Mẹ hãy hướng dẫn con lớn đỡ đầu em như thế nào, tay đặt ra sao.

Các chuyên gia nghiên cứu về gắn kết đã chỉ ra đầu em bé có thể phát ra các kích thích tố. Khi anh (chị) lớn hơn cưng nựng em, chúng sẽ cảm thấy yêu thương em và bắt đầu có xu hướng muốn bảo vệ em. Sự tiếp xúc và gắn bó càng nhiều thì mối quan hệ của hai anh chị em càng tốt đẹp,mối quan hệ giữa con đầu với con thứ không còn khoảng cách nữa.

 

Cố gắng duy trì những việc thường làm hàng ngày với con lớn

Nhiều bố mẹ vì mới có thêm em bé mà bận rộn quên mất việc chăm sóc con lớn và giao phó cho ông, bà, hoặc người giúp việc. Tuy nhiên, dù bận rộn hãy cố gắng duy trì những công việc tối thiểu hàng ngày vẫn làm với con lớn như: đọc sách trước giờ đi ngủ, ôm hôn, đưa con đi chơi... Việc dành thời gian cho con khiến con cảm thấy mình vẫn được coi trọng dù có em và không khiến trẻ hụt hẫng khi nghĩ "vì em" mà mình phải thay đổi thói quen hàng ngày và không được bố mẹ quan tâm.

 

chong-soc-cho-con-dau-khi-co-con-thu-04

Thông cảm với con và thấu hiểu cảm xúc của con

Cuối cùng, dù ít hay nhiều, việc có thêm em cũng khiến tâm lý của trẻ thay đổi. Vì lí do nào đó con tỏ ra không yêu em hoặc có những thay đổi về tâm lý như hờn dỗi, mè nheo... thì bố mẹ cũng nên thấu hiểu con. Việc đang từ vị trí "duy nhất" sang vị trí phải san sẻ tình cảm của bố mẹ với một em bé mới  khiến trẻ có tâm lý như vậy hết sức bình thường và dễ hiểu. Điều bố mẹ nên làm để ôm con, vỗ về chúng và cho trẻ cơ hội để bày tỏ cảm xúc thật của mình, tránh việc đánh mắng, áp đặt và cáu gắt khiến tâm lý trẻ càng trở nên tồi tệ hơn.