Sống đẹp

Hãy học cách nhận lỗi

Con người ai cũng có lỗi. Nếu sống làm người chưa có lỗi thì không phải là người. Người làm nhiều thì có lỗi nhiều, không làm thì không lỗi.

Tuy nhiên phương pháp nhận lỗi rất cần thiết đối với chúng ta. Đối tượng nhận lỗi có thể là cha mẹ, anh em, bạn bè, đồng nghiệp thậm chí là con cái của mình nữa. Trong khi nhận lỗi, tâm ngã mạn sẽ giảm thiểu. Người chấp nhận cho mình nhận lỗi thì mình mới tiến hóa, nếu không thì mình sẽ thụt lùi khó mà tiến bộ được. Trong Phật giáo dạy phương pháp nhận lỗi là Sám hối. Đối với người xuất gia thì có ngày sám hối của người xuất gia.

Ví dụ như Sa di sám hối bằng cách xin giới với vị Tỳ Kheo. Còn Tỳ Kheo thì vào ngày mười lăm, ba mươi hằng tháng phải tham dự lễ phát lồ để sám hối với nhau. Riêng cư sĩ tại gia có bài ‘’Cúi đầu lạy trước Phật đài‘’. Đây là bài sám hối duy nhất ở Việt Nam mới có, các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Miến điện, Lào v.v… không có bài sám hối này . Nội dung bài ‘’ Cúi đầu lạy trước Phật đài ‘’ dành cho cư sĩ tại gia nhắc lại năm giới cấm được viết theo thể thơ lục bát, có vần có điệu làm người nghe cảm động, gần gũi tình cảm con người , giúp con người ăn năn, sám hối. Vì vậy trong đạo, có lỗi thì chúng ta sám hối với tâm chân thành, tha thiết. Hoặc trong đời sống hằng ngày, làm lỗi thì xin lỗi. Biết nói lời xin lỗi giúp cho tâm thanh thản, nhẹ nhàng .

Các nước Phương Tây giáo dục con người rất kỹ. Ví dụ lần đầu học anh ngữ, ai cũng biết câu chào: Hello là câu đầu tiên học trong giao tiếp. Sau đó câu thứ hai học chào : Good morning! How are you ? Đến câu thứ ba là câu học cách xin lỗi: I am sorry ! Như vậy chúng ta thấy mỗi đất nước có văn hóa, phong tục tập quán khác nhau nhưng lầm lỗi phải xin lỗi …thì ở đâu cũng thấy đó là điều cần phải làm. Một ví dụ rất nhỏ như vào nhà người lạ, nhà họ có lệ là không mang dép trong nhà, nhưng do không biết nên mình đi dép vào nhà họ. Vậy mình phải xin lỗi họ là tất nhiên rồi. Nhận lỗi là bài học đầu tiên cần phải học. Thời đức Phật, Có một vị sa di tuổi còn nhỏ không biết hết những việc làm của người lớn. Một hôm Ngài Xá Lợi Phất trong lúc mặc y áo đã quơ tay trước mặt vị sa di. Vị sa di bèn méc với đức Phật rằng:

- Thưa Phật ! Ngài Xá Lợi Phất đánh vô mặt con .

Phật kêu Ngài Xá Lợi Phất vào hỏi. Ngài Xá Lợi Phất liền xin lỗi vị sa di kia, mong con thông cảm vì ngài không hề cố ý làm người khác phiền não như vậy .

Sau đó Phật mới giải thích cho vị sa di kia biết hạnh của bậc thánh không có tâm ích kỷ, tâm đố kỵ nên đừng nghĩ xấu trưởng lão Xá lợi Phất như vậy, nhất là đối với các bậc trưởng lão. Đồng thời Phật khen ngợi Ngài Xá Lợi Phất – là một vị trưởng lão mà không ngại xin lỗi một vị sa di mới tập tu được hai, ba ngày .

S.T