Sống đẹp

Phở chỉ dành cho bố

Sáng Chủ Nhật, như thường lệ, tôi dẫn đứa con gái 9 tuổi ra quán phở Xưa, hai mẹ con gọi mỗi người một bát, con gái ăn phở bò, mẹ ăn phở gà.

Hôm đó cũng có một người khách ăn mặc rất lịch sự đến ngồi vào bàn bên cạnh hai mẹ con.Trông anh ta còn khá trẻ, nhưng phong cách có một vẻ gì đó già dặn, từng trải cuộc đời. Anh gọi hai bát, một bát có thịt bò và một bát không thịt. Tôi thầm nghĩ chắc anh gọi cho cô người yêu sắp đến, và có thể cô ta sợ béo nên không ăn thịt. Nhưng gọi rồi mà vẫn không thấy có ai đến cả. Anh vẫn ngồi như đang suy nghĩ điều gì đó,vẻ mặt rất buồn, tôi lại nghĩ anh buồn vì lỡ hẹn với người yêu chăng?

Và đánh bạo, tôi hỏi: -Em chờ bạn à? Sao không ăn đi, nguội hết phở rồi?

- Dạ không, em không chờ ai cả.

- Thế sao không ăn? Thấy tôi cứ hỏi, người thanh niên đó nói, nếu chị không bận, chị đi uống cafe với em được không, em sẽ có thời gian để nói chị hiểu.Tôi thầm nghĩ, có lẽ anh thanh niên này có vấn đề gì rắc rồi, cần sự giúp đỡ của mình chăng?

Và tôi đã nhận lời.

Tại quán cà phê, người thanh niên đó đã kể lại về tuổi thơ khó nhọc của mình.

Khi mẹ sinh, vì vất vả nhọc nhằn nên em bé tý tẹo,vì vậy bố mẹ đặt cho cái tên là Tý.

Tý kể lại hồi học lớp ba, từ nhà Tý đến trường không xa, hàng ngày bố Tý dắt Tý đi học, hai bố con phải đi qua cái chợ nhỏ đầu làng, chợ chỉ có mấy hàng rau, hàng thịt, hàng cá, và hai quán phở…

Mỗi lần bố dắt tay em qua hàng phở, mùi nước phở thơm phức cứ làm cho bước chân em như chậm lại, em ra công mà hít hà cái mùi thơm thơm, ngầy ngậy quyến rũ đó, bụng em như có hàng ngàn con kiến cào cấu, cắn xé, rồi như có nước sôi ùng ục bên trong. Bố kéo mạnh tay em lôi đi trong sự nuối tiếc: “Tý đi nhanh lên kẻo muộn học!” .

Nhà Tý nghèo lắm. Mẹ mất vì tai nạn giao thông khi em mới tròn 2 tuổi, bố không công ăn việc làm, ai thuê gì làm nấy, hôm có việc, hôm không, cuộc sống bấp bênh, bữa đói bữa no. Bố lo cho đi học là may lắm rồi, tiền đâu mà ăn quà như các bạn.

Một hôm đi học về Tý kể: “Bố ơi, ở lớp con có bạn Hà My sáng nào mẹ bạn ấy cũng dắt đi ăn phở bố ạ”.

- Uhm….

- Nhưng bạn ấy nói là không thích, bạn ấy chỉ thích ăn linh tinh thôi. Mẹ bạn ấy bảo ăn linh tinh như cóc xanh, ô mai dễ đau bụng lắm.

- À mà mai con có muốn ăn phở không, bố sẽ đãi con phở bò nhé.

- Vâng ạ, vâng con thích lắm.

Sáng hôm sau, trên đường đến trường, hai bố con cu Tý rẽ vào quán gọi hai bát phở, nhưng một bát không có thịt. Cu Tý thấy cô bán hàng bê khay có hai bát phở ra. Cô nhẹ nhàng đặt xuống bàn. Bố đẩy bát có thịt bò sang chỗ cu Tý, còn bát không có thịt bố ăn.

Cu Tý ngạc nhiên hỏi:”Sao bát của bố không có thịt hả bố”?

- À, phở này gọi là “Phở không người lái đó con”.

- Bố ơi. Tại sao phở không có thịt lại là “Phở không người lái hả bố”?

- Ừ, rồi khi lớn lên con sẽ hiểu, con trai ạ.

Tý vẫn thắc mắc, tại sao lại thế ạ?

Bố trả lời: Phở không người lái là chỉ dành cho những người như bố thôi con ạ.

Tý nghĩ có lẽ bố nói đúng,vì mấy người lớn bàn bên vẫn ăn phở có người lái đó thôi.

Và sau cái lần đi ăn phở ấy đã khắc sâu vào tâm trí cu Tý là: Phở không người lái chỉ dành cho những người như bố.

Lần sau đi ăn,Tý gọi hai bát, một bát có thịt và một bát không thịt cho bố.

Và cứ như vậy đến khi Tý lớn hơn một chút, hiểu ra thì bố không còn bên Tý nữa, Tý cảm thấy ân hận vì cái sự ngây thơ của mình.

Bây giờ khi Tý đã trở thành một kỹ sư, có cái tên mới là Tâm. Có xe, có nhà, có tiền, Tâm có khả năng mua cho bố cả trăm, cả nghìn bát phở có thịt thì bố đã ra đi theo mẹ rồi.

Để nhớ ký ức xưa, thỉnh thoảng Tâm quay lại quán phở ngày xưa, lục tìm lại cho mình hình ảnh bố đẩy bát có thịt sang chỗ mình, còn bát không thịt bố ăn, mà thấy lòng thổn thức.

S.T